Đóng góp của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn
Anh Tâm Tuệ Đức



Khóa tu mùa thu tại tu viện Lộc Uyển

Tuần lễ 4 đến 8 tháng 9, 2002, Dũng có duyên may được đi dự khóa tu tại tu viện Lộc Uyển ở Escondido, CA, do Sư Ông Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn. Một số các anh chị và các bác đã hỏi Dũng chép lại những cảm nghĩ, cho nên Dũng đã viết ra sau đây.

Trong chuyến đi này, Dũng được cái may mắn lớn là không hẹn mà một phần lớn tăng thân Thuyền Từ cùng đi chung, có đến 14 người, trong đó có 3 anh chị giáo thọ, rất quí mến, cho nên tăng thân trong nhóm trông nom nhau rất kỹ. Dũng xin kính cám ơn toàn thể tăng thân.

Đại cương

Khoá tu bắt đầu từ trưa thứ Tư 4 tháng 9, và chấm dứt trưa chủ nhật 8 tháng 9, tất cả là 4 ngày 4 đêm. Nhập viện và ghi danh xong thì mỗi người được phát bảng tên và chỉ cho chỗ ở. Trên bảng tên có chữ chìm “Trong ấm, ngoài êm”, và có chia mỗi thiền sinh vào một “gia đình”, khoảng chừng 30 người, để sinh hoạt chung. Tên của các gia đình đặt theo các loại trái cây như “Mít tố nữ”, “Dừa xiêm”, “Thanh long”, “Xoài”, v.v.

Kỳ này khoá tu lúc đầu có khoảng hơn 300 thiền sinh tham dự, đến thứ Bảy - Chủ Nhật có thêm 100-200 Phật tử từ dưới phố lên. Những thiền sinh đến từ khắp các tiểu bang, có lẽ chỉ có 20% là từ California. Ngoài các bác lớn tuổi, có rất nhiều người trẻ và các gia đình, trong đó có cả trẻ em 5-6 tuổi. Các em thiếu nhi có chương trình riêng do các thầy và sư cô biệt trách hướng dẫn. Dũng ước lượng là hơn 70% là những người đã từng tham dự các khóa tu. Có nhiều vị đã vào dòng Tiếp Hiện từ hơn 10 hay 20 năm, cho nên khóa tu có rất nhiều người có kinh nghiệm sâu sắc. Trong các buổi tụng kinh, quý vị này đều đã thuộc lòng! Tăng đoàn Làng Mai về đây tham dự có khoảng chừng 40-50 vị, trong đó có 5-10 tu sĩ người Mỹ hay Âu Châu, tỷ số gần nửa là các thầy và nửa là các sư cô.

Tu Viện

Tu viện Lộc Uyển nằm trong hệ thống của Làng Mai có các chùa Pháp Vân, Từ Nghiêm và Cam Lộ tại Đạo Tràng Mai Thôn (Bordeaux, Pháp), tu viện Thanh Sơn và Rừng Phong tại Vermont, và tu viện Lộc Uyển tại California. Tất cả hiện nay có khoảng 200 tăng ni do Sư Ông Nhất Hạnh hướng dẫn.

Tu Viện Lộc Uyển - diện tích chừng 430 mẫu - vừa được thành hình từ tháng 6 năm 2000, tại Escondido, một khu thung lũng ẩn mình giữa những sườn đồi hướng tây bắc, cách thành phố San Diego khoảng 25 dặm. Đây là vùng núi đồi sa mạc, nên ngày thì rất nóng, đêm thì lạnh. Vì một sự ngẫu nhiên lý thú, nên vùng đất từ xưa đã có tên Mỹ là “Deer Park”, chuyển qua tiếng Việt là Lộc Uyển. Nhắc lại Lộc Uyển là khu vườn tại vùng Benares ngày xưa Đức Bụt đã chuyển bánh xe pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Chữ “Escondido” tiếng Spanish có nghĩa là “hidden”, cho nên Sư Ông Nhất Hạnh đã đặt tên chữ cho tu viện là “Đại Ẩn Sơn Lộc Uyển Tự”. Trang nhà tại www.plumvillage.org có rất nhiều chi tiết về Lộc Uyển.

Từ xa lộ liên bang I-5 qua I-78 đi vào chỉ chừng 25 phút, nhưng phải qua một số đường đất đỏ vòng vèo lên núi. Ngoài cổng tu viện có bảng “Đại Ẩn Sơn, Lộc Uyển Tự; Deer Park Monastery the great hidden mountain”. Nếu cứ tiếp tục đi theo con đường chính sẽ qua nhà gác cổng, rồi đến pháp đường Rừng Sồi, xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet), khu đậu xe và nhà tắm, khu cắm lều, khu nhà ăn, rồi đến xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) và đồi Yên Tử trên đỉnh cao nhất. Đi bộ đường dốc từ nơi này đến nơi khác mất chừng 5-10 phút. Chỉ có con đường chính là tráng nhựa, chung quanh đều là đất đỏ. Khung cảnh núi đồi rất đẹp, nhưng là cái đẹp sa mạc hoang dã chứ không phải rừng cây xanh mướt như là miền Đông.

Pháp đường Rừng Sồi là một bãi đất trống ngoài trời, nơi duy nhất có vòm cây bóng mát bao bọc như là một cái lọng lớn. Chung quanh pháp đường có nhiều cây, cỏ, và có một khu bục đá cao, nơi dựng pháp tòa để Sư Ông giảng pháp, trên đó có trưng các hoa cảnh. Cao trên không trung có che vải dù cho có thêm bóng mát, và đặt hệ thống âm thanh và đèn. Dưới đất lót thảm vải bố, bày tọa cụ để các thiền sinh có thể ngồi nghe pháp. Pháp đường này giản dị và thiên nhiên nhưng rất thoải mái và đẹp. Vì vùng này rất nóng, tu viện đã cho dựng lều First Aid tại cuối pháp đường, phòng bị trưòng hợp có người khó chịu vì nắng. Rất tiếc là sau hai ngày đầu thì lại bị mưa, cho nên các pháp thoại và các sinh hoạt khác phải dọn qua khu thiền đường Lều Lớn.

Tu viện xây cất rất đơn sơ, các xóm nhà đều là nhà trệt, vách gỗ mái tôn. Các thầy và sư cô sống cũng rất đạm bạc, 3, 4 người vào một phòng, ngủ trên những tấm phản gỗ gác gạch, không nệm không chiếu gì cả. Có sư cô trong bao nhiêu năm nay lúc nào cũng ngủ dùng túi ngủ, không cần nệm hay chiếu. Gần pháp đường Rừng Sồi là xóm Trong Sáng, dành cho quí sư cô. Từ đó đi lên nhà ăn phải qua bãi đất rộng dùng làm bãi đậu xe và nhà tắm lưu động, rồi đến khu cắm lều cho các thiền sinh. Khu này khá rộng, có một ít cây có bóng mát. Đi lên cao nữa là khu nhà bếp có 2 nhà ăn, chứa được chừng 200 người. Để chuẩn bị cho khoá tu, tu viện cắm thêm lều và sắp bàn ghế bên ngoài cho thêm được chừng hơn 100 người nữa. Khu này nằm trên triền núi, nhìn xuống thung lũng và thanh phố, rất đẹp. Bước xuống bãi đất trống bên trái là nơi cắm một căn lều trắng thật lớn ba gian, để sinh hoạt trong những khi mưa gió, không làm được ở pháp đường Rừng Sồi. Nơi đây tạm gọi là thiền đường Lều Lớn.

Từ khu nhà ăn bước lên bên phải có nấc thang lên một nhà mát lộ thiên khá lớn bằng gỗ, rồi tiếp tục đi thang lên xóm Vững Chãi. Đây là xóm dành cho quý thầy gồm một dãy khoảng 10 căn nhà, bọc quanh một bãi cỏ và hồ sen. Nơi đây có thiền đường Trăng Rằm, văn phòng, quán sách, chỗ sinh hoạt cho thiếu nhi, và phòng ốc nơi quý thầy ở. Bên kia khu văn phòng là nhà ở cho các cư sĩ, cũng là nhà trệt, nhưng có máy lạnh và phòng tắm riêng. Trước mặt sân có một chuông đại hồng chung do tu viện Kim Sơn gởi tặng, thực hiện bởi thầy Tịnh Diệu từ Việt Nam, trên chuông có khắc lời đề tặng bằng tiếng Việt và tiếng Mỹ của thầy Tịnh Từ.

Xóm Vững Chãi còn có thể lên cao hơn nữa, đi bộ vòng bên hông 10 phút sẽ đến một bãi đất trống trên đỉnh đồi, gọi là đồi Yên Tử, từ đó có thể nhìn ra những thị trấn lân cận. Nơi đây xung quanh có rất nhiều cây tiêu (California pepper trees) cho có bóng mát, và có cả võng bắt sẵn có thể nằm đu đưa. Đồi Yên Tử là ngọn đồi đã được chọn để sẽ xây một tháp chuông, theo mẫu của tháp chuông chùa Thiên Trù trên núi Hương Tích.

Truyền thống Làng Mai không chú ý nhiều về hình tướng nên cả tu viện mà chỉ có một tượng Bụt trắng khoảng 5 bộ trong chánh điện. Các lễ ngoài trời chỉ dùng một tượng Phật nhỏ, nhưng bàn thờ luôn luôn được trang điểm nhiều hoa cảnh, rất đẹp và trang nghiêm. Chánh điện thiền đường Trăng Rằm là một căn phòng hoàn toàn trống nhưng thật nhiều ánh sáng, chỉ có treo những câu đối trên tường. Chính giữa có bàn thờ Bụt Thích Ca, hai bên có cặp câu đối mà Dũng không nhớ hết chữ được:

“Đầu núi -- -- tâm vững chãi
Góc biển mây hồng ý thảnh thơi”

Bên trái bàn thờ Bụt có bàn thờ tổ, trên đó có di ảnh hòa thượng Thanh Quý (là thầy của Sư Ông ở chùa Từ Hiếu, Huế) và thầy Giác Thanh (là trụ trì của tu viện Lộc Uyển, mất tháng 10, 2001). Di ảnh của thầy Giác Thanh có câu kệ với thủ bút của Sư Ông viết cho “sư em Giác Thanh”:

“Trượng phu tiếng đã biết
Việc đáng làm đã làm
Tháp vừa dựng sườn núi
Tiếng cười trẻ đã vang”
(14/10/2001)

Có rất nhiều chi tiết về cuộc đời của thầy Giác Thanh tại trang nhà http://www.iamhome.org/About_files/tgt2.htm

Quán sách là nơi Dũng rất thích, có bán rất nhiều sách của Sư Ông, CD băng giảng, calligraphy và vật kỷ niệm. Có những đồ thủ công do các sư cô làm ra để gây quỹ cho trẻ em nghèo tại Việt Nam. Dũng được giới thiệu cuốn “Thả Một Bè Lau” gồm những bài giảng của Sư Ông về truyện Kiều theo tinh thần Phật giáo Đại Thừa, rất duyên dáng và sâu sắc. Dũng mang về lều đọc một mạch từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng mới hết!

Rải rác chung quanh tu viện có những bảng gỗ với thủ bút của Sư Ông và những lời nhắn nhủ thực tập chánh niệm quen thuộc như là “Đã về, đã tới”, “I have arrived, I am home”, “Bây giờ, ở đây”, “Thở vào, thở ra”, v.v. Được biết hiện nay tại Tu Viện có khoảng 20 vị xuất gia thường trú. Tu viện hiện nay hàng năm tổ chức những khóa an cư mùa Đông và Hè, trại hè cho các em thanh thiếu niên, và khoá tu mùa Thu. Ngoài ra mỗi tuần có ngày quán niệm vào thứ Năm và Chủ Nhật để các thiền sinh và Phật tử khắp nơi về nghe pháp thoại và thực tập chánh niệm qua các sinh hoạt thiền toạ, thiền hành, thiền trà, và pháp đàm.

Chỗ ăn ở

Chỗ ăn ở của Tu Viện rất là đơn sơ. Một số các chị "xí" chỗ trước và đóng lệ phí cao hơn thì được ở phòng có mấy lạnh (khoảng 10’x12’, 3 bunk beds, cho 6 người). Còn lại “xóm nhà lá” thì xuống đóng lều ngoài một bãi đất trống. Tu viện có cung cấp lều (4 người) cho thiền sinh. Khu lều ở một bãi đất trống, bụi đất đỏ, chỉ có vài cây lớn mà không rậm lá lắm, cho nên khi nắng lên thì rất nóng. Có lẽ tất cả khoãng chừng 30-40 lều, chia ra từng khu vực cho quý vị độc thân, gia đình, và gia đình có con nhỏ. Gần đó có nhà vệ sinh tạm đóng trong một trailer, và đi bộ chừng 7 phút thì có nhà tắm di động. Hôm đầu trời nóng vác khăn đi tắm, thật là mát. Mấy hôm sau trời mưa, nên hơi lạnh, không có nước nóng, lạnh buốt, tưởng đã phải ở ... dơ. May là Dũng tìm ra được khu nhà ở có nhà tắm công cộng với nước nóng. Mỗi chiều, rất nhiều thiền sinh nối đuôi đi tắm! Dũng thấy mình đi tu học mà vẫn còn trưởng giả!

Hôm đầu Dũng cắm lều ở khu "quý vị độc thân". Tối khuya các anh chàng bên cạnh nói chuyện nhiều quá (và lạ chỗ nằm đất) ngủ không được. Hôm sau Dũng nhờ người phụ bê cái lều qua khu "gia đình" của các anh chị trong Thuyền Từ. Như vậy ngủ lều cũng có cái lợi là ... di động. Nhờ vậy mà được:

“Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.”
:-)

Vì đây là vùng sa mạc, cho nên nước phải mang từ xa đến. Hàng ngày sư cô Chân Không vẫn nhắc nhớ mọi người lưu ý tiếp kiệm nước. Ở lều không có tiện nghi, nhưng mà thật sự rất vui, vì cứ chạy qua chạy lại “nhà” hàng xóm. :-)

Sinh Hoạt

Trong 4 ngày tu học thì chương trình đều đặn từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối. Buổi sáng lúc 5 giờ có tiếng kẻng đánh thức. 5 giờ 30 là thời công phu sáng. Sau 10 giờ tối, là giờ chỉ tịnh; đại chúng tắt đèn và giữ im lặng cho đến sau bữa ăn sáng hôm sau. Sự yên lặng này gọi là “im lặng hùng tráng”.

Mỗi thầy và sư cô đều có nhiệm vụ riêng, như thầy Pháp Khâm thì chỉ huy nhà bếp, thầy Pháp Độ thì lo nhà lều, có thầy thì lo hướng dẫn chỗ ở, có thầy lo sắp xếp thiền đường. Mỗi thiền sinh được chỉ định vào một “gia đình”. Mỗi gia đình do 2 hoặc 3 thầy hay sư cô hướng dẫn, và có nhiệm vụ chấp tác khác nhau như là dọn dẹp thiền đường, chuẩn bị đồ ăn sáng, trưa, tối, hay là lau chùi nhà vệ sinh.

Chương trình hàng ngày có những buổi gặp mặt chung cho tất cả mọi người, như là nghe Sư Ông giảng Pháp hay là thực tâp thiền hành. Cũng có những buổi chỉ gặp mặt riêng từng gia đình như là thiền trà, pháp đàm. Mỗi “gia đình” tụ họp một nơi khác nhau. Những thời vấn đáp cũng có vấn đáp chung cho đại chúng cùng nghe, và vấn đáp riêng giữa một thầy hay sư cô và một thiền sinh. Thiền sinh muốn vấn đáp riêng phải ghi danh để cho ban tổ chức biết mà xắp xếp.

Các bài pháp thoại đều được thu thanh vào CD và thu hình trong video. Bài giảng sáng hôm trước thì chiều hôm sau đã có CD bán tại quán sách. Trong những giờ giảng pháp, sư cô Chân Đức dịch ngay tại chỗ qua tiếng Mỹ, cho người ngoại quốc nghe qua headphone cắm vào hệ thống âm thanh của tu viện. Cô Chân Đức người Anh, nói tiếng Việt rất giỏi, là một học giả về Phật học. Cô biết tiếng Sanskrit và Pali.

Thức ăn dọn theo kiểu self-served. Đến giờ, mọi ngươì xếp thành 6 hàng song song vào nhận lấy thức ăn rồi ra tìm bàn ngồi chung với “gia đình” của mình trong bữa cơm trưa hay ngồi tự do trong bữa sáng và tối. Trước khi ăn, có một vị đọc kệ Ngũ Quán. Trong bữa ăn, thông thường thì 20 phút đầu đại chúng ăn trong yên lặng. Sau khi nghe 2 tiếng chuông, đại chúng được nói chuyện nho nhỏ, cũng giống như cách thực tập của nhóm thiền quán Sinh Thức hay tăng thân Thuyền Từ. Bữa ăn sáng thường có cereal, oat meal, trái cây, sữa, có khi có thêm xôi và cháo. Bữa trưa có cơm và các món xào. Bữa tối thường có bún chay hay hủ tiếu chay. Món ăn rất ngon miệng. Tháng trước Dũng viết một bài tường thuật về tuần lễ an cư kiết hạ tại chùa Việt Nam, Houston, Texas, hơi kỹ trong vấn đề ăn uống nên đã bị đặt tên có liên quan đến ẩm thực. Kỳ này Dũng không dám chép thực đơn của các món ăn xuống nữa! Trong sự thực tập “trong hoa có rác, trong rác có hoa”, nhà ăn tại tu viện có đến 4, 5 loại thùng rác. Sau khi ăn, thiền sinh tự động chia rác ra là những loại khác nhau (làm compost, hay là recycle giấy, nhựa, lon bằng nhôm, v.v.)

Thực Tập

Thầy Nhất Hạnh là một nhà cách mạng, nên truyền thống Làng Mai có những nét đặc biệt khác các tu viện khác. Thí dụ như áo mầu nâu sòng, chứ không phải vàng hay lam; thiền sinh ở Lộc Uyển thì đeo bảng tên ngoài đời, chứ không dùng pháp danh, chỉ có tu sĩ mới dùng pháp danh. Cách xưng hô cũng khác. Các thầy trong tăng đoàn, dù đã là Thượng Tọa, khi nói chuyện với đại chúng, hay là các bác lớn tuổi hơn, thì vẫn xưng là “con”. Nếu nói chuyện với người bằng tuổi hoặc nhỏ hơn thì dùng pháp danh mình. Các thầy cô nói chuyện với nhau thì gọi nhau là sư anh, sư chị, sư em. Cư sĩ nói chuyện với Tỳ kheo thì gọi là Thầy hay Sư cô, còn Sa di thì gọi là sư chú. Tụng kinh và các nghi lễ đều dịch ra tiếng Việt, thuờng dùng chữ Bụt thay vì Phật. Quý vị có thể vào các trang tại http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-buthayphat-01.htm http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-buthayphat-02.htm để biết thêm chi tiết về chữ Bụt này.

Pháp môn của Làng Mai chú trọng nhất là giữ gìn chánh niệm, nhưng không hẳn là phải ngồi thiền thật lâu như Nam Tông, hay là tụng kinh niệm Phật thật nhiều như Tịnh Độ. Trong 4 ngày khoá tu, ngồi thiền theo đúng chương trình mỗi ngày chỉ có một lần khoảng 30 phút. Tuy nhiên, trong các buổi lễ, trước khi bắt đầu đều có ngồi thiền. Thực tập thì không có tụng kinh thật nhiều, hay là lễ lạy hàng trăm cái, hoặc ngồi thiền từ sáng đến tối. Lúc nào cũng yên lặng mỉm cườì và thong dong, nên nhìn có vẻ là dễ, nhưng thật sụ khó vô cùng vì đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng phải có chánh niệm. Khi ngủ mở mắt ra là đã theo dõi hơi thở, ngồi dậy đi thì theo dõi bước chân, đánh răng biết là đáng răng là đã thực tập chánh niệm. Đi thì thiền hành, không có “đi như ma đuổi”, như lời Thầy dạy. Nếu thực tập cho đúng thì đi không có nói chuyện. Nếu muốn nói chuyện thì đứng lại nói chuyện xong rồi mới tiếp tục đi. Ăn cơm cũng là một phép thực tập sâu sắc. Không phải chỉ xếp hàng và ăn trong yên lặng mà thôi mà khi ăn phải quán chiếu đến thức ăn, việc ăn và tiếp xúc với năng lượng của tăng thân. Để nhắc nhở, bất cứ lúc nào, nếu nghe tiếng điện thoại, tiếng chuông, hay tiếng kẻng, tất cả đều ngừng tay, trở về với chánh niệm trong ít nhất là 3 hơi thở. Trong các sinh hoạt, ngay cả khi pháp thoại, có tiếng chuông thì mọi người đều ngừng lại trở về với hơi thở có ý thức. Lúc nào cũng ý thức được việc gì mình đang làm. Chỉ cần giữ chánh niệm trong vòng vài phút là có thể đã an lạc; thực tập chánh niệm và mỉm cười chỉ trong nửa ngày là đã cảm thấy thảnh thơi và thoải mái. Điều này Dũng đã chứng được.

Thầy Nhất Hạnh cũng là một nhà văn hoá và một nhà thơ, cho nên trong pháp môn có thi kệ, có thiền trà, hay là những bài hát, có tính chất nghệ thuật và thiền, giúp sự thực tập Chánh Niệm.

Ngoài ra cách thực tập của Làng Mai cũng có những sáng tạo dựa theo tinh thần đạo Bụt, cô đọng từ các kinh điển nhưng không có giáo điều, như là phép Làm Mới, thiền Buông Thư, thiền Ôm, Đệ Nhị Thân, v.v.



Thứ Tư 9/4/02

Ngày đầu đến sớm, sau khi cặm lều xong, Dũng ra pháp đường Rừng Sồi sắp xếp cây cảnh.

6PM: Ăn chiều
Ăn chiều xong, đi bộ một lát rồi ra pháp đường Rừng Sồi, được sư cô Chân Không hướng dẫn thiền buông thư. Tiếng Mỹ là “Deep Relaxation Meditation”. Các anh chị ở Thuyền Từ gọi ngắn gọn là “Thiền Nằm!”

7:30PM: Thiền Buông Thư (pháp đường Rừng Sồi)
Pháp môn Làng Mai nhận thức là thân có được thư thái thì tâm mới dễ thảnh thơi, cho nên có những cách tập cho cơ thể được thư giãn. Mọi thiền sinh đều nằm, buông thả toàn thân, tập trung tư tưởng quán chiếu theo lời hướng dẫn. Hướng tư tưởng đến từng bộ phận trong cơ thể, từ đầu đến ngườì, và ôm ấp thư giãn các bộ phận ấy, giảm sự căn thẳng của thần kinh và bắp thịt. Sau khi đọc lời hướng dẫn, để tạo thêm sự tươi mát, sư cô hát cho tất cả đại chúng nghe. Sư cô hát tiếng Việt, tiếng Pháp hay là tiếng Mỹ cũng rất hay. Lời ca nhẹ nhàng thanh thoát. Đây cũng là một cách tập giúp lấy lại sự tươi mát và vui sống. Anh Chân Trí (Thuyền Từ) cũng đã từng hướng dẫn phép thiền buông thư trong các khoá tu ở Claymont Court, West Virginia. Sau khi tập xong, mọi người thật là thư thái, có người ngủ luôn!

8PM: Pháp thoại, hướng dẫn tổng quát (pháp đường Rừng Sồi)
Trong khoá tu, mỗi buổi pháp thoại, trước khi Sư Ông giảng, đều có tăng đoàn 50 người ra đứng hát trước đại chúng. Sư Ông giữ chuông, có tiếng mõ và tiếng khánh giữ nhịp. Khi các thầy và sư cô hát thì đại chúng ngồi thiền, theo dõi hơi thở trong chánh niệm. Các bài ca vừa tiếng Việt vừa tiếng Mỹ, có khi là bài kinh. Có một bài tán Quán Thế Âm chỉ có một câu niệm duy nhất là “Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm” lập đi lập lại theo những âm điệu khác nhau, thật là réo rắt, có thể đi sâu vào lòng mọi người.

Bài pháp thọai đầu tiên hôm nay là bài hướng dẫn tổng quát, cho những người mới tập cũng như những người thực tập đã lâu. Trong bài viết này, Dũng chỉ xin được giới thiệu sơ lược về các cách thực tập của tăng đoàn. Các anh chị muốn biết thêm xin hỏi các vị giáo thọ, đọc sách hoặc nghe CD giảng của Sư Ông. Sư Ông bắt đầu bằng sự tương tức giữa cha mẹ và con cháu, giữa người Việt ở Mỹ và cái gốc ở Việt Nam (“Cây Tre Triệu Đốt”). Nhắc lại giới định tuệ, Sư Ông nhắc nhở mục đích của khoá tu là giữ gìn và thực tập chánh niệm, thời gian trong khóa tu rất quí báu, không nên bỏ phí nói chuyện. Sau đó Sư Ông hướng dẫn về cách ngồi thiền căn bản (“Thở và Cười”) và thiền Hành. Trong khi thiền hành ngoài trời ta phải có chánh niệm về bước chân. Sư Ông gọi là “tư tưởng trụ ở dưới chân, chứ không phải trên đầu”; nhưng không có để ý phân tách từng động tác (e.g. nhấc chân lên, bước đi, đặt chân xuống) như là các phương pháp của Nam Tông. Sư Ông nói là làm như vậy cũng là có chánh niệm, nhưng không dễ thoải mái an lạc lắm. Khi đi thì quán niệm thực sự là mình “Đã về, đã về, đã về, đã tới, đã tới, đã tới”. Bốn chữ “Đã về, Đã tới”, Sư Ông gọi là “pháp ấn” của Làng Mai (Lá Thư Làng Mai, số 25).

10PM: Chỉ tịnh: Im lặng hùng tráng

Ban đêm có nhiều sao :-)



Thứ năm 9/5/02

5AM: Thiền hướng dẫn và tụng kinh (pháp đường Rừng Sồi)

Sáng nay đại chúng được ngồi thiền hướng dẫn khoảng 30 phút. Mọi người ngồi yên thở và có ý thức về hơi thở theo lời hướng dẫn: tĩnh lặng, mỉm cười; sâu, chậm; vững chãi, thảnh thơi, v.v. Sau đó đại chúng theo tăng đoàn nghe lời tụng kinh Người Biết Sống Một Mình, đọc bốn lời quán nguyện của bốn vị bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, và Địa Tạng, và tất cả cùng tụng Kinh Hạnh Phúc.

6:45AM: Thiền hành

Sư Ông hướng dẫn tất cả đại chúng đi thiền hành về đỉnh đồi Yên Tử bên trên xóm Vững Chãi. Lúc đi, bước theo hơi thở và quán ngữ “Đã về, đã tới”. Hơn 300 người đi một cách thật thong dong và yên lặng như một dòng sông tạo nên một năng lượng khác hẵn khi đi thiền hành một mình. This is the best Thiền Hành I’ve ever had in a long time.

8AM: Ăn sáng

9:30AM: Pháp thoại (Pháp đường Rừng Sồi)

Đây là một bài pháp thoại rất hay, để học hỏi thêm về nguồn gốc căn bản các pháp môn Làng Mai. Sư Ông mở đầu bằng sợi dây nối liền giữa cha mẹ và con cái. Bằng câu chuyện kể từ cuốn truyện Kinfolk của nữ văn sĩ Pearl Buck viết từ 1945 (chuyện về một gia đình người Hoa, có 4 con lớn lên và thành công tại Mỹ, một số trở về Hoa Lục để tìm hiểu về nguồn gốc của mình), Thầy nói về những đóng góp thực tế (chứ không phải là lý thuyết) cho người thân và cho xã hội của mình. Thầy kể những người trẻ gốc Việt Nam lớn lên tại Mỹ có những cái hiểu lầm hay là băng khoăn về gốc rễ và văn hóa của mình như thế nào.

Thầy nhắc đến lịch sử Phật giáo Việt Nam mà thầy đã viết lại trong bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, II, và III, đến sơ tổ Khương Tăng Hội đã đến Giao Châu 300 năm trước khi Bồ Đề Đạt Ma nhập Trung Quốc. Nhờ đó mà Dũng biết được rằng pháp môn của Làng Mai - theo lời Sư Ông - là “Phật Giáo Nguyên Thủy, phối hợp thêm với tinh thần Đại Thừa”. Đây là đạo Bụt nhập thế, hay là “Engaging Buddhism”, đưa vào cuộc đời giải quyết những vấn đề thực tế. “Ta không thể tách rời đạo Phật ra khỏi sự sống, bởi chính đạo Phật là sự sống. Nếu ta quan niệm đạo Phật như một kho tàng tri thức và lý thuyết cứng đọng thì tức là ta đã xem đạo Phật như những chén bát cổ trưng bày ở tàng cổ viện.” (Đạo Phật Ngày Nay, Thích Nhất Hạnh). Trang nhà của Chùa Việt Nam, Houston, TX có đăng bài viết này của Thầy trong http://www.vnbc.org/VNBC/Book/nhathanh/daophat.asp. Tinh thần Làng Mai là tinh thần cộng đồng. Phương pháp của Làng Mai là đào tạo tăng thân, chứ không phải là tăng tài. Các tu sĩ nguyện sẽ ở chung với nhau trọn đời. Đi như một giòng sông, để ra tới biển, chứ không đi như là giọt nước, sẽ dễ bốc hơi.

Thầy nói đến quán niệm vô tướng để thấy được là mình cũng là cha mẹ mình. Thầy cho xem hình chụp thầy lúc còn là chú tiểu mới 16 tuổi. Chú tiểu đó là Thầy hay là một người khác ? “Phi Nhứt Phi Dị”. Thấy được những tương tức để có nhận thức chính xác hơn và giảm bớt tri giác sai lầm.

12:30AM: Ăn trưa

Canh chua, “cá” kho tộ! :-)

12:30 AM: Ăn trưa

2:00PM: Tham vấn

3:00PM: Chấp tác

4:30PM: Thiền Trà (theo gia đình "thực tập")

Theo đúng truyền thống thiền trà, mọi người ăn bánh và thưởng thức trà trong yên lặng. Nhưng lần thiền trà này có nước chanh và nước cam :-). Đây là lần đầu tiên mọi người trong “gia đình” ngồi lại với nhau, nên tất cả tự giới thiệu và nói lên những ước mơ, hoài bão hay đưa ra những câu hỏi của mình. Trong gia đình “Mít Tố Nữ” có những vị đã là giáo thọ tu tập hơn 20 năm, có ngươì mới 19 tuổi và đang bắt đầu, có người có tài làm thơ hay làm nhạc, cũng có người Hoa nói tiếng Việt không rành. Có những người đi chung với con cái, có những người chỉ có một mình. Có người đến từ Việt Nam thăm con, có người từ San Diego lái xe xuống. Ngoài ra, cũng có các vị Thượng Tọa từ Việt Nam qua tu tập (thầy Phước Tịnh).

6:30PM: Ăn chiều

Cháo, mì xào.

8:00PM: Thiền Buông Thư và Thiền Lạy (Thiền đường Lều Lớn)

Hôm nay sư cô Chân Không hướng dẫn những bài ca hay mà dí dỏm. Có một ngươì Mỹ thiền buông thư xong thoải mái quá, nằm ngủ ngáy pho pho cả buổi trong thiền đường! Sau đó Sư Cô hướng dẫn tất cả về phép Thiền Lạy. Thiền Lạy trong truyền thống Làng Mai, không giống như Lạy Thiên Phật hay Vạn Phật của Tịnh Độ tông, hay Tam Bộ Nhất Bái. Thiền sinh chỉ thực tập 3 lạy hay là 5 lạy thôi. Mỗi cái lạy thật chậm với ba hơi thở thật sâu theo tiếng chuông. Mỗi lần lạy thì quán chiếu và tiếp xúc lại với (1) ông bà cha mẹ tổ tiên huyết thống, (2) tổ tiên tâm linh (Bụt, thầy, tổ), (3) tổ tiên đất đai, (4) gửi những năng lượng thương yêu tới những người thân thuộc mình thương và (5) gửi những năng luợng tốt lành tới những người làm mình kkhông. Lạy xuống là để biết ơn, thương yêu và buông bỏ cái ý niệm ta là một thực tại biệt lập với những người đó. Đứng lên là buông bỏ được mọi giận hờn, trách móc và oán thù. Khi lạy toàn thân nằm sát đất, chứ không quì gối.

10PM: Chỉ tịnh: Im lặng hùng tráng

Hôm nay ngủ ngon hơn nhờ lều được dọn ra khỏi khu "đàn ông độc thân"!


Thứ sáu 9/6/02

5:00AM: Thiền Leo núi

Hôm nay mọi người phải thức dạy thật sớm, khi trời còn tối om. Chỉ 5 giờ sáng đã tụ họp tại pháp đường Rừng Sồi, để lên núi cho trước khi mặt trời mọc. Từ chỗ tụ họp lên đỉnh núi đi bộ khoảng chừng 50 phút, đường đi cũng không khó lắm. Các người khó đi thì có xe chở lên đến chân núi. Lên đến đỉnh núi, mỗi người tìm một mỏm đá để ngồi thiền và chờ mặt trời mọc. Chỗ ngồi nhìn xuống các thung lũng lân cận, ánh đèn thành phố lấp lánh từ xa, rất là huyền diệu. Các thiền sinh tụng kinh, và ca niệm danh hiệu Bụt. Khi ánh dương vừa ló dạng ỏ chân trời, hừng sáng thì lúc này mọi ngươì mới khám phá ra là có hơn 300 thiền sinh đã được sắp xếp ngồi rải rác cao thấp trên các mỏm đá khắp vùng núi đồi vang vọng. Tiếng kinh, tiếng niệm và tiếng khánh tạo nên một năng lượng an lạc rất là mầu nhiệm. Đây là một kỷ niệm mà Dũng nghỉ là sẽ không bao giờ quên được. Ai cũng nên hưởng cơ hội này ít nhất một lần cho biết. Khi xuống núi thì mọi người chậm rãi đi thiền hành. Khi về gần đến trại thì mưa bắt đầu nặng hột, tất cả đều vừa đi vừa chạy về để tránh mưa, sư cô Chân Không nói đùa là “Thiền Jogging!”. Trong chuyến leo núi này có một số anh chị được dẫn lên một ngọn núi khác, cao nhất trong vùng. Ngọn núi này thì leo khó hơn nhưng nghe nói là cảnh từ trên nhìn xuống đẹp hơn. Các anh chị thích quá còn đòi trở lại!

8:30AM: Ăn sáng

9:30AM: Pháp thoại (Thiền đường Lều lớn)

Đây là bài giảng hay nhất mà Dũng đã từng được nghe, trước và trong khoá tu này. Có nhiều khi ta đặt câu hỏi tại sao nếu con là tiếp nối của cha mẹ, thì tại sao có khi con rất khác với cha mẹ ? Thầy nói về y báochánh báo, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, anh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài xã hội và sự tưới tẩm những hạt giống xấu, gương mẹ thầy Mạnh Tử, cộng nghiệp và biệt nghiệp, năng lượng của Phật Pháp Tăng.

Nếu muốn trả lời câu “Sau khi chết rồi, ta sẽ đi về đâu?”, thì phải hỏi “Hiện tại ta đang đi về đâu?”. Thầy vẽ trên bảng hình ảnh một cây đền cầy tỏa ánh sáng và hơi nóng để làm sáng tỏ hơn luật nhân quả, quan niệm về thường kiếnđọan kiến. không đều tương tức (không thể nào cái "có" đến được từ cái "không"), tờ giấy và tro, đám mây và nước biển.

Thầy nói về thế nào là "chánh" và "tà". Thầy chia Bát Chánh Đạo ra 3 chánh đạo đi ra (outputs), 3 chánh đạo đi vào (inputs), và chánh Mạng và chánh Tinh Tấn. 3 outputs là chánh Tư Duy, chánh Nghiệp, chánh Ngữ; 3 inputs là chámh Niệm, chánh Định, và chánh Kiến (hay Tuệ).

Chánh Mạng. Không nên làm việc cho những nơi chế tạo vũ khí.

Chánh Tinh Tấn. Cách thực tập của chánh Tinh Tấn là Tứ Chánh Cần. Phát triển và nuôi dưỡng hạt giống tốt. Chuyển hóa và ngăn ngừa hạt giống xấu. Vợ chồng phải để ý không nên tưới tẩm những hạt giống xấu nơi nhau. Nghệ thuật tưới hoa :-)

Đây đều là những tư tưởng và thực tập rất căn bản trong đạo Bụt, nhưng thường bị trình bày một cách rời rạc và khô khan. Thầy đã diễn bày chúng một cách rất tự nhiên dễ hiểu. Giữa bài pháp thoại thì trời đổ mưa to. Thầy nói “Bây giờ mình ngồi nghe mưa một lúc!”. Tất cả đại chúng ngồi nghe mưa, rất là an lạc!

12:30 AM: Ăn trưa

2:00PM: Tham vấn

Giờ tham vấn hôm nay chia làm 2 nhóm. Một nhóm cho người muốn hỏi chung các thầy và sư cô về những vấn đề của mình, họp ở thiền đường Lều Lớn. Vì Sư Ông có ý muốn đào tạo thêm 300 tăng ni nữa để đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trên khắp thế giới, một nhóm nhỏ hơn thì dành cho những người muốn được chia sẽ về nếp sống của những vị xuất gia trẻ, họp ở thiền đường Trăng Rằm. Dũng đi dự khóa này, và được nghe nhiều sư chú và sư cô nói chuyện. Trong đó có một sư chú người Mỹ đi tu từ trung học, và một sư cô trẻ người Việt, 31 tuổi, đã học ra bác sĩ Y Khoa tại Mỹ, đang đi làm, đi tu từ 1999, cùng nhiều thầy trẻ khác kể về những động lực thúc đấy họ xuất gia và những kinh nghiệm bản thân của họ. Đa số các chia sẻ là về phản ứng của người thân khi biết họ quyết định đi tu, những điều họ nhận thức được khác nhau ở ngoài chúng và trong chùa, lý tưởng của mình. Được nghe những chia sẻ này, Dũng thấy là rất quí báu vì đây là những điều mình thắc mắc mà ít khi nào có dịp được hỏi. Bây giờ thì Dũng mới hiểu tại sao có câu ví von:

Làng Mai đi dễ khó về,
Trai về sư chú, gái về sư cô
” :-)

3:00PM: Chấp tác

4:30PM: Pháp đàm (Gia đình)

6:30PM: Ăn chiều

8:00PM: Thuyết trình 5 giới

Có 7 vị thiền sinh được mời lên trình bày những kinh nghiệm bản thân về Ngũ Giới. Có vị đã vào dòng Tiếp Hiện; có vị là huynh trưởng gia đình Phật tử đã ngoài 50, có em là Phật tử “Nụ Hồng” rất trẻ, chưa đến 20; có em chỉ nói rành tiếng Mỹ. Mỗi người bắt đầu phần chia sẻ của mình bằng cách đọc lên giới bản của giới mình đang chia sẻ, rồi nói về những kinh nghiệm cá nhân khi thực tập giới này. Tất cả các chia sẻ đều là chuyện có thật, đã được chứng nghiệm bởi bản thân nên rất thực tiễn và quí báu.

Ý nghĩa của 5 giới rất rộng. Theo học hỏi của Dũng thì những điều cần phải quán chiếu ít nhất là (a) Ý thức được những khổ đau do sự phạm giới gây ra, (b) Không những cho chính ta mà còn cho người thân, xã hội và cộng đồng chung quanh ta, (c) Trì giới không phải chỉ là giữ giới mà còn là ngăn ngừa không cho người khác phạm giới. Nếu mà nhìn thật sâu thì mọi giới đều có trong một giới, và mọi pháp cũng đều có trong giới.

Có em kể lại những khổ đau trong gia đình qua ngày 9/11/2001 để hiểu về giới thứ Nhất (giới Sát). Có chị chia sẽ là đi làm mà thiếu giờ thì cũng phạm giới thứ Hai (Đạo). Có anh kể lại quan niệm sai lầm của giới trẻ lớn lên trên đất Mỹ và tại sao họ bị thúc đẩy phạm giới thứ Ba (Dâm). Cũng có anh chia sẽ nỗi khổ trong gia đình khi không tìm hiểu và dùng lời ái ngữ với con trai (Vọng). Về giới thứ Năm (rượu và ma túy), có người nói về những độc tố trong đời sống mới như sách báo phim ảnh, có liên quan đến hạt giống và nghiệp. Tất cả đều là những đề tài để ta quán chiếu và học hỏi.

10PM: Chỉ tịnh: Im lặng hùng tráng


Thứ bảy 9/7/02

5:30AM: Lễ truyền 14 giới Tiếp Hiện

Tiếp Hiện (“Order of Interbeing”) là một dòng tu do thầy Nhất Hạnh sáng lập ra từ 1962 cho cả cư sĩ lẫn tu sĩ. Trong cuốn “Lá Thư Làng Mai số 25, Kỷ niệm Đạo Tràng Mai Thôn 20 tuổi”, Thầy viết là “Tôi rất muốn ở trong chùa của mình có một số các vị cư sĩ cùng thực tập chung với các sư cô sư chú để trở thành một cái cầu bắc ngang giữa những người xuất gia và những người tại gia bên ngoài. Những người đó thực sự đáng gọi là cận sự: rất gần gủi, rất hiểu biết thi mới chuyển được tuệ giác, hạnh phúc của tăng đoàn người xuất gia tới tập đoàn của người cư sĩ”. Hiện nay dòng Tiếp Hiện đã có khoảng 700 tu sĩ và cư sĩ trên khắp thế giới. Các anh chị nào muốn tìm hiểu thêm, xin đọc cuốn “Interbeing: Fourteen Guidelines for Engaged Buddhism” (Parallex Press).

Đây là lễ truyền giới cho những vị cư sĩ. Có khoảng chừng 30 vị thọ giới. Đại chúng tập họp từ sáng sớm, ngồi thiền trong yên lặng. Các thầy và sư cô đắp y vàng ngồi đối diện nhau. Khi Sư Ông đến, chỉ thỉnh tiếng chuông, xướng hồng danh chư Phật và đọc 14 giới (cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ). Mỗi một giới thì các cư sĩ trả lời và lạy một lạy. Sau đó mỗi ngươì đuợc đặt pháp tự và nhận Điệp Giới. Thầy cho biết đây là lớp Tiếp Hiện thuộc dòng Lâm Tế đờì thứ 43 và phái Liễu Quán đời thứ 9. Buổi lễ rất giản dị nhưng cũng rất trang nghiêm.

8AM: Ăn sáng

9:30AM: Vấn đáp với Thầy

Đây là cơ hội để đại chúng có thể trực tiếp xin Thầy giải đáp các thắc mắc. Thầy nhắc nhở là nên đặt những câu hỏi có tính cách thực tế, dựa theo những kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống hay là sự tu tập của mình. Nếu là một câu mà nhiều ngươì khác có thể học hỏi được thì càng tốt. Nên tránh những câu hỏi có tính cách lý thuyết ở trên mây, không giúp gì được ai.

Những câu hỏi là “Thái độ của chúng ta đối với chiến tranh chống khủng bố (anti-terrorism) phải như thế nào?”, “Quan điểm của đạo Bụt đối với vấn đề đồng tính luyến ái là gì ?”, “Làm sao cho hòa hợp được lại với gia đình và chồng sau một cơn khủng hoảng lớn ?”, “Pháp môn nào có thể giúp người mẹ có thể nói chuyện được và chuyển hoá với con gái đã lớn (38 tuổi), có chồng con, nhưng ham mê "nói chuyện bằng máy vi tính ("chat room") qua mạng Internet và bỏ bê gia đình?”, “Làm sao kết chặt được sự đòan kết trong cộng đồng Việt Nam?”, v.v.

Những câu trả lời của Thầy rất thực tế, nhưng cũng bao hàm rất nhiều tư tưởng bát ngát trong Phật giáo, áp dụng những điều đã dạy trong kinh điển. Theo Dũng thấy, thì đạo Bụt là con đường thoát khổ, và có rất nhiều nhận thức rất sâu xa để tự giải thoát. Cái mầu nhiệm là không cần phải dựa vào quyền lực gì của thần linh. Khi nghe những câu trả lời của Thầy, mình có thể thấy rất rõ rệt tinh thần và sự thực tập đạo Bụt mà mình đã từng học như: sự thể hiện và thực tập lòng Từ Bi, sự quan trọng của tăng thân, hạnh lắng nghe mà không phán xét, khế lý và khế cơ, phép Đồng Sự, công phu sử dụng ái ngữ, v.v. Dũng đã thấy được những người chung quanh mình chuyển hóa trong đời sống hàng ngày.

12:30 AM: Ăn trưa

Ngày thứ Bảy và Chủ Nhật có thêm rất nhiều thiền sinh đến dự từ dưới phố nên phòng ăn rất đông người. :-(

2:00PM: Thuyết trình: Làm Mới

Bài thuyết trình về thực tập Làm Mới" được hướng dẫn bởi thầy Pháp Đăng và Pháp Ấn. “Làm Mới” là một phép thực tập nhìn lại tình trạng của mình và mối liên hệ giữa mình và người thân để có thể hoá giải buồn giận, phá tan mây mù của sự hiểu lầm. “Làm mới” cũng là một hình thức thực tập sám hối một cách thành khẩn để chuyển hóa tình trạng khổ đau.

Lúc thực tập “Làm Mới” thì cả hai bên theo dõi hơi thở và sử dụng phép lắng nghe. Có khi cần thì mời thầy, sư cô hay là một người bạn tu làm trung gian. Chỉ khi nào được mời mới chắp tay xá và mở lời. Khi nói phải dùng lời ái ngữ, dịu dàng, trầm tĩnh, không lên án, không trách móc. “Làm Mới” có 4 bước:

  1. Tưới hoa, tức là nhắc đến những cái hay và dễ thương của người đối tượng.
  2. Tự tỉnh, tức là ta tự nói một cách thành khẩn về những thiếu sót vụng về của ta, và hứa sẽ thực tập giỏi hơn để tránh không còn lập lại trong tương lai.
  3. Nói lên những niềm đau, tức là chia sẽ những gì đã làm khổ mình qua sự hiểu lầm, và xin người kia giúp cho.
  4. Thực tập lắng nghe, tức là lắng nghe người kia nói về những cái đau của họ, không đính chính, không tranh luận. Nghe với tâm Từ Bi và chiêm nghiệm nhìn kỹ những gì đã xảy ra. Tìm cơ hội xin lỗi hay là giải thích những nhận thức sai lầm.
Sau khi thuyết trình về cách “Làm Mới”, thầy Pháp Đăng mời 2 cặp vợ chồng đã từng có khó khăn với nhau, đã thực tập pháp môn, và đã chuyển hoá phần nào lên chia sẽ trước đại chúng. Cả hai cặp đều là “work in progress”, một cặp là bác sĩ còn trẻ, một cặp là hai bác đã có con cái đầy đàn đã ngoài 50. Quý vị có thể đọc “Đường Về Vườn Nai, Cẩm Nang Tu Tập” do tu viện Lộc Uyển ấn hành để biết thêm chi tiết.

Viết ra hết về những vấn đề của 2 cặp vợ chồng này thì quá dài, nhưng Dũng có thể tóm tắt là những kinh nghiệm được chia sẽ rất thật thà và dễ thương. Những cuộc nói chuyện giữa hai người rất linh động và tự nhiên, có khi còn dí dỏm. Mọi người đều thấy rỏ là những vấn đề giữa những cặp vợ chồng này rất là thật, và sự thực tập Làm Mới đã giúp họ tránh được những đổ vở.

Trong các khoá tu người Âu châu, sư cô Chân Không kể đã có hàng trăm người Âu xếp hàng gọi điện thoại về nhà "làm mới" với người thân sau khi nghe pháp thọai và học được phép thực tập này. Đây là một phương cách rất thực tế.

3:00PM: Chấp tác

4:30PM: Pháp đàm (Gia đình)

5:15PM: Đi thăm Sư Ông

Tăng thân Thuyền Từ được cái duyên may mắn nhờ chị Chân Ý và anh Chân Trí đưa lên thăm Sư Ông tại Tịnh Thất Tùng Bút. Đây là chỗ ở của Sư Ông tại Lộc Uyển. Thất Tùng Bút rất đơn sơ giản dị, nhỏ chỉ bằng một căn phòng rộng, phòng khách có cửa gương lớn nhìn ra vùng đồi núi chung quanh. Nhóm Nụ Hồng và gia đình Phật tử North Carolina cũng có mặt. Theo lời Sư Ông yêu cầu, chị Chân Minh Giới hát bài "Tương Phùng" mà Thầy gọi là “Con đi tìm thầy”. Sư ông cũng cho tất cả nghe băng ngâm những bài thơ Sư Ông đã làm lúc trước, trong đó có một bài làm lúc Sư Ông công tác thuê tàu đi cứu thuyền nhân trên biển tại Singapore năm 1975-82. Bài thơ tên là “Bắc Một Chiếc Cầu”. Công tác này cứu được 550 thuyền nhân, nhưng công tác bị lộ và bị chính phủ Singapore dẫn độ ra khỏi nước. (Chính phủ Singapore có một chính sách rất khắt khe đối với thuyền nhân.) Chuyện này có viết lại trong cuốn “Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát” của sư cô Chân Không. Bài thơ này rất hay, hiện có đăng trong tuyển tập “Thơ Từng Ôm và Mặt Trời Từng Hạt” do Lá Bối phát hành. Dũng rất thích nên nhờ chị Thanh đọc cho Dũng chép lại như sau:

Bắc Một Chiếc Cầu

Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu
Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau

Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Bụt
Phá tan địa ngục, đập nát u sầu
Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát
Có chim bồ câu bay liệng trời cao

Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực
Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu
Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng
Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao

Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực
Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào
Bắc một cây cầu từ hang địa ngục
Lên tới cõi trời mở hội ngàn sao.


Sư Ông kể lại về việc hoằng pháp tại Trung Quốc gần đây, và cũng nói lên hoài vọng là sau này sẽ có dịp dẫn học trò leo núi Yên Tử thăm chùa Trúc Lâm, cũng như gần đây đã được dẫn học trò leo Ngũ Đài Sơn, thăm Văn Thù Viện tại Trung Quốc, một việc mà 10 năm trước đây không ai nghĩ là có thể làm được.

6:30PM: Ăn chiều

8PM: Lễ Bông Hồng Cài Áo (thiền đường Lều Lớn)
Ý nghĩa lễ này cũng như là lễ Vu Lan, nhắc nhở đến sự báo hiếu, tình thương yêu và công ơn cha mẹ. Đại chúng được nghe đọc bài Bông Hồng Cài Áo do Sư Ông Nhất Hạnh viết trong thập niên 60s, bài hát "Bông Hồng Cài Áo" của Phạm Thế Mỹ, và lời thơ, bằng tiếng Việt và cả tiếng Mỹ. Sau đó một số thiền sinh đã đọc lên những lá thơ hay trình bày những bản nhạc tỏ lòng biết ơn hay thương yêu mà họ đã viết cho cha mẹ hay con cái. Kế đến các thầy và sư cô cài bông hồng cho các em thiếu nhi, rồi các em thiếu nhi cài bông hồng cho đại chúng. Mỗi người được cài hài hai đóa hoa: hai hoa hồng nếu còn cả cha lẫn mẹ, hai hoa trắng nếu mất cả cha lẫn mẹ, một hoa hồng một hoa trắng nếu mất một người. Mọi người đều nghe theo tiếng chuông và lễ Bụt. Sau hết các người thân cùng trong gia đình thực tập Thiền Ôm với nhau. Đại chúng ra về dưới trời mưa mà lòng thật thanh thản.

10PM: Chỉ tịnh: Im lặng hùng tráng


Chủ Nhật 9/8/02

5:30AM: Lễ truyền Ngũ giới

Đây là lễ truyền Ngũ Giới cho những ai muốn thọ giới với Sư Ông. Những người này đã điền đơn từ hôm trước. Trong đơn có câu hỏi về hạnh nguyện của thiền sinh. Hình thức buổi lễ tương tự như là lễ truyền 14 giới, nhưng giản dị hơn. Các thiếu nhi thọ 2 lời hứa thay vì 5 giới. Lời hứa đầu là lời hứa sẽ quán chiếu để Hiểu Biết. Lời hứa thứ hai là nguyện sẽ phát huy tâm Từ Bi. Có 8 em bé ghi tên thọ 2 lời hứa, nhưng chỉ có 2 là đủ sức thức giậy sớm để dự lễ. Khi Sư Ông nghe chuyện thì hỏi đùa “Vậy thì bây giờ có về gọi nó dậy hay không?” :-)

Có khoảng 70 vị thọ Ngũ Giới, (trong đó có 5 vị trong tăng thân Thuyền Từ kể cả Dũng.) Đây cũng là một cái duyên may lớn. Sau khi thọ giới thì đến gặp vị sư trưởng gia đình mình để được nhận pháp danh và điệp hộ giới.

8AM: Ăn sáng

9:30AM: Pháp thoại

Buổi pháp thoại này cũng rất hay, nói tiếp tục về Bát Chánh Đạo và đào sâu hơn về Chánh Niệm và Chánh Kiến. Thầy bắt đầu từ những tri giác sai lầm của con người (thí dụ như ánh sáng mặt trời mà ta nhận được không phải là ánh sáng hiện tại, mà là ánh sáng 8 phút trước đã đi từ mặt trời xuống trái đất). Những tri giác sai lầm hay đưa đến khổ đau. Nếu ta đã biết tri giác mình có thể sai lầm, thì không nên cuồng tín, và phải quán chiếu để có những cái hiểu thật sâu sắc và chính xác hơn. Ta cũng phải giúp người thân, cộng đồng, xã hội và quốc gia phát triển Chánh Kiến để tránh những tạo nghiệp sai lầm.

12:30 AM: Ăn trưa

2PM: Chia tay

Các thiền sinh chia tay rời khỏi Lộc Uyển. Theo đúng cách tu tập, mỗi người phải “mang Tu Viện Lộc Uyển” về nhà, tức là mang theo những sự thực tập, để chuyển hóa niềm đau và phục hồi hạnh phúc của mình và gia đình mình. Riêng Dũng sẽ nhớ mãi hình ảnh bước chân thong dong của một vị thầy trẻ người Mỹ, mặc áo nâu sòng, đi lên đồi, đầu đội nón lá!

Sư cô Chân Không cho hay là mùa hè năm 2003, khoá tu người Việt sẽ mở tại Denver, Colorado, và sau đó toàn thể tăng thân Làng Mai 500 người sẽ trở về Lộc Uyển từ khắp thế giới.


Công tác từ thiện

Đựoc biết Làng Mai có những chương trình hoạt động từ thiện rất tích cực tại Việt nam, được trang trải từ tiền nhuận bút sách của Thầy và đóng góp của các tăng thân khắp nơi. Làng Mai có những chương trình trợ giúp thường xuyên như:


Ngoài ra, cùng lúc với khoá tu này là một vụ lụt lớn ở miền Đồng Nai. Nhờ sự kêu gọi của sư cô Chân Không, trong khóa tu đại chúng đã đóng góp hơn $4,000 để cứu trợ cho vụ lụt này. Tăng đoàn cũng trích ra một số tiền nhuận bút của Thầy, đã định dùng để trả hết nợ cho Lộc Uyển, nay gởi về Việt Nam cứu lụt. Các công tác này đều do tự nguyện viên tự trả chi phí lấy cho nên không bị cắt xén gì cả. Số tiền sẽ hoàn toàn đưa trọn vẹn về đến những người cần được giúp và bên Mỹ này được miễn thuế. Xin liên lạc với tu viện Lộc Uyển (Ban Tiếp Xúc Hiểu và Thương) ở địa chỉ trên.

Dũng mong bài viết này sẽ giúp các anh chị và các bác chưa từng dự khoá tu theo truyền thống Làng Mai biết thêm về pháp môn và sự tu học của tăng đòan. Dũng tự biết là mình đã học được rất nhiều điều quí báu. Nếu có điều gì sơ xót, xin các anh chị bỏ qua và chỉ dạy cho.

Kính,
Tâm Tuệ Đức Lê Dũng




Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản




Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Lần sửa chữa cuối 11/01/2002
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyen Tu vùng Washington DC