Ðóng góp của nhóm tu học Toronto/Montreal, Canada
tháng 1, 1998



Sau Cơn Bão Linda
  1. Ðêm hôm đó, trên chuyến bay từ Saigon trở về Mỹ, khi nhìn xuống, thấy vùng biển đang tối phía dưới trở thành khoảng ánh sáng lấp lánh từng ô vuông vức, bỗng nhiên tôi cảm thấy dễ chịu như đang trở về một nơi chốn bình an, thân quen. Los Angleles xưa rày chưa từng là quê hương của tôi. Mỗi khi từ miền Bắc đáp xuống phi trường Lax, tôi chỉ nhớ tới những đám mây vàng đục, vẩn bụi khói xe hơi và không khí ấm áp nhưng nặng nề khó thở hơn. Tối đó, những ngọn đèn xanh vàng chạy thẳng tắp từng ô của thành phố này bỗng hiện ra như những dấu mốc dễ thương, báo hiệu sự an toàn của một đời sống văn minh có lề luật. Thói quen sống trong xã hội có trật tự và có tổ chức của hơn hai mươi năm nay đang chỉ huy tâm thức tôi ..............

  2. Lần đầu tiên trở về thăm miền quê ngoài Bắc Việt sau mấy thập niên xa cách, tôi vẫn cảm thấy gần gũi với cảnh đồng quê bình dị như chưa bao giờ rời xa. Cũng vẫn những luống ngô, ruộng khoai, những con trâu chưa bị cày máy thay thế. Chỉ có học sinh, trẻ em là đông đảo hơn nhiều. Nhưng Saigon thì đã rất khác so với thành phố này trước tháng 4 năm 1975. Saigon ngày nay hỗn độn, ồn ào như một quả bóng đang phình căng về tất cả mọi phía. Thành phố lớn nhất của miền Nam hồi xưa, kể cả các vùng phụ cận, chỉ chứa trên một triệu dân - nay như đang trương nở mỗi giờ, mỗi phút để có đủ chỗ cho khoảng gần 7 triệu người tá túc. Ngoài những kiến trúc cao tầng bắt chước những thành phố quốc tế, đường phố Saigon đầy rẫy những cửa hàng xây cất lộn xộn vá víu. Hầu như tất cả các biệt thự ngày nay mất hẳn khoảng trống màu xanh trước sân nhà. Căn nào cũng có vài ba mái tôn, mái lá che tạm ra làm cửa hàng buôn bán lặt vặt. Óc thẩm mỹ của những chủ nhân mới chiếm cứ những căn nhà lớn đẹp ấy hầu như bị nhu yếu thực tế lấn lướt, trừ ít trường hợp hiếm hoi, còn đa số họ dẹp bỏ sân cỏ, cây cảnh đi để cho thuê hay tự mở quán kiếm thêm lợi nhuận.

  3. Báo chí và dân Saigon đang còn bàn tán nhiều về cơn bão số 5 hay bão Linda. Dư luận coi trận bão lớn thổi cấp kỳ vào bờ biển Nam Việt Nam đầu tháng 11/97 là cơn bão lớn nhất thế kỷ 20, gây thiệt hại cho hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam. Theo báo cáo từ xã ấp lên, các tỉnh bị thiệt hại , theo thứ tự nặng nề nhất là Cà Mâu, sau tới Kiên Giang (Rạch Giá), Bà Rịa, Vũng Tàu (Côn Ðảo), Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre; rồi tới các tỉnh Tiền Giang, Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Bình Thuận. Riêng Bình Ðịnh cũng có 181 dân chài bị chết khi đang đánh cá ngoài khơi .... Theo thống kê của chính phủ, trong đầu tháng 12/97 tổng số người chết và mất tích lên tới gần ba ngàn nhân mạng. Ngoài ra, thiệt hại vật chất nặng nhất là các "miệng đáy" hay lưới lớn căng ngoài biển để bẫy cá; và tàu bè bị đắm hay hư hại. Những miệng đáy này bị sập mất dấu tích vì sóng gió làm đứt các dây phao, tất cả lên tới hơn 5 ngàn cái. Ðó là những chiếc cần câu cơm của hàng trăm ngàn người. Thường một miệng đáy nếu không phải của các công ty, phần nhiều đều là của một tổ hợp gồm nhiều gia đình chung nhau để cùng sinh tồn bằng nghề biển. Cũng theo thống kê trên, có khoảng 90 ngàn nhà bị hư hại hoàn toàn, hơn 100 ngàn nóc nhà bị trốc, và khoảng 50 ngàn nhà bị ngập lụt. Hơn 5 ngàn lớp học bị hư hại, hơn 3000 tầu bè bị chìm hay mất tích, hư hỏng vv.... Số tổn thất vật chất tất cả được ước tính khoảng hơn 7 ngàn tỷ $ VN (tương đương với khoảng hơn 500 triệu Mỹ kim). Theo suy luận của nhiều người mà chúng tôi được gặp tại Saigon, những con số về tổn thất này có thể đã được các ủy ban xã ấp "phóng đại" lên chừng vài ba chục phần trăm (?) so với sự thật .

  4. Ngay trong lúc bão đang làm dữ nơi bờ biển, toán truyền hình Cà Mâu đã ghi lại được một số hình ảnh hậu quả của những cơn gió 100km/giờ. Sau đó, báo chí và truyền hình, phát thanh trong nước đồng loạt mô tả những cảnh tượng rất sống động nên đã khích động được lòng thương người khắp nơi. Tại hải ngoại, Việt kiều sống xa xứ còn đọc thêm tin trên mạng lưới Internet. Nhiều người Âu và Mỹ cũng viết những lá thư kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão Linda, hoặc sao chép thư của người Việt gửi rộng thêm ra. Phương tiện truyền thông đại chúng đã thổi cơn bão Linda đi khắp năm châu, làm động tâm của biết bao người có tâm nghĩ tới những đồng bào kém may mắn.

  5. Trên chuyến máy bay trở về thăm gia đình , tôi gặp bé Quỳnh, sinh viên California 23 tuổi, đang chờ vô học Y Khoa. Em qua Mỹ từ khi chưa nói sõi (1975) , nay thì nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt. Nhưng "khi nghe nói về bão Linda lớn lao quá sức, cháu thấy như cháu có bổn phận phải về - tuy chưa biết giúp cách nào, nhưng cháu phải về mà thôi". Ðược gia đình tin cậy và thông cảm cho phép, em Quỳnh trong khi chờ kỳ học chưa tới, lấy tiền trong heo đất mua vé máy bay và mang hết chỗ còn lại về để "nếu có dịp sẽ đi cứu trợ. " Tôi cũng có ý định kỳ này về thăm nhà, nếu có dịp thì đi cứu trợ, vì khi nghe tin tôi về Việt Nam, nhiều người quen đã đưa tiền cho tôi để "tùy ý, thấy giúp được nơi nào thì cứ làm". Vậy là bé Quỳnh và tôi quen nhau. Một tuần sau, hai cô cháu theo một nhóm bạn lên đường đi cứu trợ. Tôi cũng có duyên gặp được một Sư cô trẻ tuổi, có đức hạnh và khả năng, cùng một người bạn mới chung ý hướng rất dễ mến là cô Kim từ Seatle về Saigon làm việc thiện. Mỗi năm Kim lấy nghỉ hè một tháng về Ðàlạt và Saigon, mang tấm lòng nhân và một số phẩm vật tặng cho các tăng ni sinh, các trẻ em mồ côi từ thượng du tới miền đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi này tôi được học hỏi ở hai người đó rất nhiều.

  6. Vào thời điểm đó (đầu tháng 12/97), những câu chuyện về bão Linda vẫn còn đang nóng hổi tại Saigon. TV chiếu hình ảnh một đám đông chít khăn tang đứng nhận quà, cảnh những mái tranh mới lợp, trong nhà rống trơn, chỉ có cái bàn thờ với hình ảnh những người đã khuất. Ðó là những người cha, người anh lớn theo bố ra khơi kiếm sống, đó là những cột trụ của gia đình..... Các bạn hàng buôn bán ở chợ cũng lạc quyên gửi cho người bị bão. Mỗi sở đều phải đóng góp. Ngoài ra còn có các gia đình tư nhân, nhiều người tự thuê xe mang gạo, mì, quần áo hay mùng mền đi cứu trợ.

  7. Xe chở chúng tôi rời Saigon lúc 6 giờ tối. Anh Hoàng - người dẫn đường - muốn hà tiện một đêm thuê khách sạn nên khởi hành trễ để chúng tôi ngủ trên xe. Một giờ rưỡi sau, chúng tôi ghé tỉnh hội Chữ Thập Ðỏ Long An (tức hội Hồng Thập Tự - tổ chức chuyên lo các vấn đề xã hội và y tế từng địa phương). Chị Năm, người đứng đầu của tỉnh hội, cùng mấy em thanh niên lên một xe khác chạy trước dẫn đường cho xe chúng tôi theo đi Kiên Giang (Rạch Giá). Khi qua phà vượt nhánh Tiền Giang của sông Cửu Long, tuy trới đã tối, nhưng dưới ánh đèn sáng loáng của chiếc phà, tôi vẫn thấy rõ lòng sông nhấp nhô và cảm thấy sức mạnh của những đợt sóng cuồn cuộn dưới lòng phà . Gió sông mát lồng lộng khiến tôi không thể không nhớ tới bài hát Cửu Long Giang của trường ca Con Ðường Cái Quan. Phạm Duy quả là người yêu đất nước VN vô cùng: "Cửu Long Giang....Gió về vui trên sóng sông - Uốn quanh như chín con rồng, ôm chặt đứa con ....". Chị Năm được nghe bài hát này lần đầu tiên, cũng tỏ ra rất cảm động. Chúng tôi trò chuyện rổn rảng. Chúng tôi kể cho chị nghe hồi đầu thập niên 60, làm học trò đi công tác xã hội, chúng tôi là đám thính giả trung thành của các trường ca Mẹ Việt Nam, Con Ðường Cái Quan.... rồi ngược thời gian về tới những thập niên trước nữa, chúng tôi đã được ê a theo các anh chị lớn những câu hát "Tuổi xanh như lúa mai....." khi họ từ giã gia đình đi đánh quân Pháp. Cuộc nội chiến Quốc Cộng 20 năm lùi vào quá khứ, khoảng cách nửa vòng trái đất giữa chị Năm với chúng tôi cũng như không còn ý nghĩa. Giữa chúng tôi, trong chiếc xe chạy ngon trớn trong buổi tối mát gió đồng ruộng, chỉ thuần là tình yêu quê hương chung. Kể từ lúc có sự cảm thông đó, mỗi khi nhắc tới cái mốc tháng 30/4/75 , chị Năm giữ ý, dùng cụm từ "Sau Hòa Bình", không còn nói ba tiếng "sau giải phóng" như trước.

  8. Khi ngủ đỡ trên xe trong đêm chờ tàu từ tỉnh Rạch Giá để sáng sớm ra huyện Kiên Hải ngoài biển xa, chúng tôi đã gặp một xe tư nhân chở đầy phẩm vật cứu trợ, cũng khởi hành từ Saigon chiều hôm trước, cũng ngủ tạm vài tiếng đồng hồ trước khi lên tàu ra khơi..... Ðám bạn đồng hành này là một gia đình người Việt gốc Hoa, mấy ngày trước đã xuống Cà Mâu đem đồ tới từng nhà tặng đống bào đang khốn khó. Sớm hôm đó, chúng tôi lại gặp thêm khoảng 20 người thuộc Quận III Saigon mang 200 triệu đồng và 7 tấn phẩm vật xuống cùng tàu ra biển, mong được cứu trợ tận tay đồng bào. Chúng tôi tuy thức giấc từ 4 giờ sáng, ngồi chờ cho tàu đầy người khá lâu, nhưng ai nấy đều cảm thấy lòng nhẹ nhàng, hăng hái khi con tàu Hậu Giang nhổ neo lúc 6g30, mặt trời mới nhô lên khỏi đám mây mù. Sau hơn ba giờ đồng hồ lắc lư trên những băng ghế gỗ cứng ngắc của con tàu, ai nấy đều cảm thấy vui mừng khi tàu thả neo trước ấp Nhà Bàn của xã Lại Sơn (hay xã Hòn Sơn Rái - thuộc huyện Kiên Hải). Anh Khải, đại diện hội Chữ Thập Ðỏ Kiên Giang cho biết sẽ có thuyền nhỏ đưa chúng tôi vô bờ để phát quà cho dân chúng của một ấp bị thiệt hại nhất vì bão Linda. Hai đoàn kia sẽ đi phát tại hai ấp khác. Anh Khải đem theo cả vợ và hai con theo đi chơi cho vui. Cả gia đình anh xuống thuyền nhỏ trước hết để vào bờ, bảo chúng tôi cứ chờ trên tàu, ảnh sẽ quay lại đón.... Chờ mãi không thấy Khải, sau khi hai đoàn kia đã vô bờ hết, đoàn chúng tôi cũng tự ý xuống thuyền vô ấp Nhà Bàn.

  9. Chúng tôi đoán "chắc vô tới bờ rồi, họ mới dẫn qua ấp khác cứu trợ", vì khi nhìn từ boong tàu, chúng tôi thấy trên phía các bãi cát và những chồng đá thiên nhiên rất đẹp, đa số nhà cửa tại ấp này đều là nhà gạch, mái ngói; thuyền bè san sát đẹp đẽ, hầu như bão không thổi mạnh vào vịnh này của đảo. Chúng tôi tin tưởng là có chị Năm nói chuyện với họ, tỉnh hội Chữ Thập Ðỏ Kiên Giang sẽ tổ chức giúp chúng tôi phát quà tận tay nạn nhân. Chị Năm là một con người rất đàng hoàng, làm việc chu đáo và đã từng cộng tác với các bạn tôi từ mấy năm nay trong những công tác trợ giúp dân chúng bị lụt lội tại tỉnh Long An. Nhưng chúng tôi không hiểu vì những lý do nào, những người tiếp chúng tôi ở xã Lại Sơn lại không đưa chúng tôi tới gặp các nạn nhân thật sự. Trong khi nhân viên của ấp Nhà Bàn và ủy ban xã Lại Sơn tíu tít chiêu đã hai phái đoàn kia. (Chúng tôi từ chối không ăn uống vì đã tự lo trên tàu trước khi tới nơi), chúng tôi cứ việc tìm chỗ đứng ngồi tạm trong khi họ chưa tập họp ngay dân chúng lại để phát quà. Chúng tôi liền chia nhau đi theo vài người địa phương, vô xóm thăm tận nơi vài gia đình được giới thiệu là nghèo nhất ấp. Anh quay phim cho đài truyền hình Long An muốn mang về những hình ảnh sống động, vác máy đi lùng mãi mới quay được hình ảnh của một căn nhà đang lợp lại mái, vài cái vỏ tàu hư hại chừng 50%. Một sư cô trong đoàn, khi đứng chờ tại hiên nhà một người dân, đã được bác Bảy chủ nhà mời vô uống nước, nghỉ ngơi trong nhà cho đỡ nắng. Bác Bảy nói: "Tôi cũng không hiểu sao mấy ổng đưa hàng chục đoàn cứu trợ về đây làm chi? Xã Củ Tron ngoài kia thì không ra, họ bị bão nặng lắm, tan tác hết cả!!" Một người khác cũng cho biết, chúng tôi là đoàn thứ 23 ghé đảo này cứu trợ. Theo các nhân viên làm việc trong xã Lại Sơn, bình quân mà tính, thì mỗi gia đình nạn nhân bị hư thuyền bè đã được lãnh khoảng 500 ngàn VN (40US$). Tôi thắc mắc hỏi sao không đưa chúng tôi đi Xã Củ Tron, họ nói "xa lắm, một ngày không thể đi về!". Thật ra, dù đảo Củ Tron cần phải đi thêm 2 giờ nữa trên tàu, nhưng nếu không dừng tại đây, chúng tôi cho là tàu vẫn có thể chở các đoàn cứu trợ ra phát đồ rồi về trong ngày được!

  10. Chị Năm và anh Hoàng sau khi nhận xét dân tình liền quyết định chỉ phát phần vải tặng cho dân ấp Bãi Nhà, còn tiền trong bì thơ (150 ngàn VN mỗi gia đình) thì giữ lại, chờ khi gặp đúng người thật cần mới tặng. Chị Năm tỏ ra rất bực mình khi thấy tỉnh hội bạn làm việc tắc trách. Chúng tôi được yêu cầu phát tượng trưng cho một số gia đình, còn cứ để lại ấp sẽ phát sau! Nhưng đã nhìn thấy kho của ấp đầy ắp gạo và các phẩm vật cứu trợ, chúng tôi quyết định chỉ phát vải theo số người cầm phiếu hiện diện, nếu dư sẽ đem về chứ không để lại! Phải mất hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới phát gần hết 200 phần vải. Mỗi phần có thể may được 2 quần tây và 2 áo sơ-mi. Trước chuyến đi, Anh Hoàng tới tận hãng dệt để có thể mua vải với giá rẻ hơn giá sỉ thường, nên xấp vải có giá trị khoảng 40 ngàn VN mà phẩm chất rất tốt. Khi chúng tôi chờ thuyền chở ra biển, một bà già tới than vãn với chúng tôi. Bà xưa là cô giáo. Bà cho biết trong vụ bão này, con bà bị mất tích 4 ngày, thuyền bị đắm. Anh ta sống sót trên biển với cái phao, nhờ bị cua cặp đau quá nên dãy dụa, thuyền Thái Lan mới trông thấy mà tới vớt! Trong tháng qua, bà chỉ mới được lãnh tất cả 10k gạo mà thôi! Mấy phụ nữ ngồi gần đó công nhận lời bà giáo là đúng. Bà nói: " Tôi là người dạy học trò, tôi không thể nói dối. Ấp này may mắn không chết người nào, chỉ có hai người xứ khác chết trôi xác vô bờ, và chỉ có một số gia đình bị mất thuyền bè hay trốc mái lá như gia đình tôi, coi là loại nạn nhân bị nặng nhất. Vậy nhưng họ phát cứu trợ làm sao ấy. Kỳ này tôi cũng không được phát phiếu để ra nhận quà ! Có nhà không bị thiệt hại thì lại được lãnh tới mấy phần !!!" Anh Hoàng bèn biếu bà một phong thư tiền mặt.

  11. Khi rời đảo Lại Sơn, đợi cho hai đoàn kia lên hết tàu mới nhổ neo (lúc 3 giờ chiều) để trở lại bờ tỉnh lỵ Rạch Giá. Chị Ba trong đoàn tư nhân gốc người Hoa cho biết sau khi trao đồ cứu trợ cho ủy ban Xã Lại Sơn, gia đình chị thuê ghe đi chơi quanh đảo. Chị thấy ấp Thiên Tuế (cách ấp Nhà Bàn chừng nửa giờ ghe), bị hư hại rất nhiều thuyền bè, còn nhiều nhà bị trốc mái chưa lợp lai.... Chị cũng thắc mắc không ít, không hiểu vì sao ủy ban Xã lại không đưa chúng tôi sang đó cứu trợ. Tắc lưỡi, chị tiếp lời: "Nhưng xã này là họ làm mau mắn lắm rồi đó! Họ nhận đồ cứu trợ ngay nên tụi tui đi chơi quanh đảo được! Kỳ trước ở Cà Mâu, tụi tui chờ từ sáng sớm tới 3 giờ chiều, chờ ở ủy ban Tỉnh, xuống huyện rồi xã, họ cũng chưa cho người dẫn đường mình tới với dân. Nóng ruột quá, chúng tôi phải tự thuê xuồng chèo vô các khe rạch, thấy nhà nào tệ quá thì ghé vô tặng đồ thôi. Bác Nữ thuộc phái đoàn cứu trợ quận III cũng nói: "Chúng tôi tới nơi đã khuya, được mời vô khách sạn ngủ, 7 tấn hàng họ lo bốc lên tàu dùm. Bữa nay chúng tôi cũng phát tượng trưng một ít rồi để lại cho họ phát tiếp. Mệt vì say sóng một phần và vì thất vọng một phần, chúng tôi về ngủ nhờ tỉnh hội Chữ Thập Ðỏ Kiên Giang để hôm sau lên đường từ 4 giờ sáng qua Bạc Liêu cho kịp phát quà sớm theo chương trình đã định. Biết chúng tôi từ xa về, chị Năm và anh Hoàng đã liên lạc để cho chúng tôi có cơ hội đi cứu trợ ở 4 tỉnh đồng thời được thấy cảnh trí miền Nam. Buổi tối hôm đó, có lẽ biết trong đoàn chúng tôi có nhiều người bất mãn, phó chủ tịch tỉnh hội Kiên Giang là anh Sáu Việt tới gặp và mời chúng tôi đi ăn cơm tiệm, nhưng một nửa đoàn chúng tôi ở nhà ăn bánh mì dư từ sáng với đồ chay kho mặn. Khi nói chuyện cà kê, anh Sáu tỏ vẻ tiếc là xã Lại Sơn đã không "tiếp đón và tổ chức chu đáo khiến cho qúi vị buồn lòng" - Anh giải thích tiếp: "vì qúi vị là những phải đoàn đầu tiên tới xã này." . Một người trong đoàn ngạc nhiên "Ủa, sao ở Xã, họ cho biết chúng tôi là đoàn thứ hăm mấy rồi?" Anh Sáu Việt không đổi nét mặt, cũng chẳng cần giải thích vì sao mình nói sai sự thật đến thế. Anh ta lảng tránh, lái sang câu chuyện khác! Kiên Giang là tỉnh được coi là bị bão Linda làm thiệt hại nặng thứ nhì, chỉ sau tỉnh Cà Mâu.

  12. Tại Bạc Liêu, chúng tôi được tỉnh hội Chữ Thập Ðỏ tổ chức để trao quà trực tiếp cho dân chúng của các ấp thuộc xã Hưng Phú, huyện Hồng Vân. Sau đó chúng tôi tiếp xúc với mươi người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - trong đó 3 nhà chúng tôi tới tận nơi - để tặng thêm mỗi nhà một bì thơ 100 ngàn nữa. Tỉnh hội Hồng Thập Tự Bạc Liêu làm việc hữu hiệu và vui vẻ, nên dù phải đi bộ khá lâu, chúng tôi không ai cảm thấy mệt chi cả . Sau khi gặp và phát kẹo cho trẻ em tại xã Hưng Phú, vẻ mặt bé Quỳnh trở nên buồn xo. Em tâm sự : " Cháu thấy buồn quá, cứ nghĩ tới mấy em nhỏ trong xóm đó . Nay mai cháu về Mỹ, sống cuộc đời sung sướng, trong khi các em suốt đời sẽ chịu cực như vậy? " Một chú trong nhóm thấy bé Quỳnh tội nghiệp quá, lên tiếng an ủi: "Cháu đừng lo, trong số các em ấy, biết đâu lại không có mấy đứa thông minh, sau được sang Mỹ du học, gặp lại cháu chưa chừng." Ðó tuy chỉ là lời nói lạc quan giúp bé Quỳnh bớt nghĩ ngợi, nhưng biết đâu cũng đã phản ảnh phần nào sự thật? Trong hàng trăm ngàn người Việt thành công nơi hải ngọại, có bao người đã từng là những em nhỏ sống thuở thiếu thời nơi thôn quê ngày trước? Tại Sóc Trăng, chúng tôi được đưa xuống huyện Vĩnh Châu cách tỉnh lỵ chừng 50km. Nhưng con đường đất "Sóc thấu Trời Trăng" này bắt chiếc xe díp chở chúng tôi phải chạy hết 3 giờ rưỡi đồng hồ, từ 5 giờ tới 8g30 sáng ( kể cả nửa giờ qua phà)! Ông trưởng hội Chữ Thập Ðỏ Vĩnh Châu là người Việt lai Miên, vốn là sinh viên trường đại học Cần Thơ, nói cả tiếng Miên lẫn tiếng Việt rất lưu loát, đã sắp xếp việc phát quà khá trất tự và nhậm lẹ. Khi tới xã, gặp những người dân gốc Miên lam lũ, da sạm nắng của hai ấp Giồng Nổi và Trà Sết, mặt ai cũng còn ngơ ngác vì nhà bị sập hay người thân bị chết, chúng tôi thấy việc di chuyển khó khăn của mình chẳng đáng kể gì. Sau gần hai giờ đồng hồ phát quà và thăm hỏi một số người, chúng tôi xin ra về ngay kẻo trễ, đề phòng đường xấu, xe có thể bị nằm ụ. Sóc lên sóc xuống , sau hơn 3 giờ nữa , chúng tôi về tới tỉnh lỵ. Ai nấy đều mệt nhoài và đói bụng nhưng cũng vui vì gặp những nạn nhân thứ thiệt của cơn bão. Trên đường đi, nhìn cảnh nhà tranh vách đất quá đơn sơ và tơi tả của đa số nông dân bên đường, chúng tôi cùng nghĩ rằng dù không bị bão Linda làm hại, hầu như tất cả huyện Vĩnh Châu đều cần được giúp đỡ thì mới sống nổi. Ða số dân là người gốc Cao Miên, chưa được biết tới cách kế hoạch hóa gia đình nên sanh đẻ rất nhiều. Và nghèo đói, bệnh tật cũng đã giết rất nhiều trẻ con.

  13. Trở về tới Trà Vinh, tỉnh hội Chữ Thập Ðỏ đang bận tiếp phái đoàn đại diện của hội Hồng Tập Tự Quốc tế nên trả lời chúng tôi: "Nếu quí vị muốn đi cứu trợ trực tiếp thì ngày mai chúng tôi không bảo đảm đưa tới đúng đối tượng được - Cách hay nhất là qúí vị cứ giao cho chúng tôi, sau này chúng tôi sẽ làm." Chị Năm cho biết đã điện thoại hẹn với tỉnh hội từ tuần trước. Tất cả đoàn chúng tôi quyết định không phát tại Trà Vinh kỳ này, để về rút kinh nghiệm rồi tổ chức một chuyến đi khác. Sau này, các bạn chúng tôi ở Saigon sẽ đi tìm tới gặp các nạn nhân mất cha, mất chồng hay anh trong cơn bão to, giúp vốn cho mấy mẹ con họ buôn bán hay trồng rau. Và họ cũng định sẽ giới hạn chỉ cứu trợ mỗi lần một địa bàn nhỏ (một hai xã trong một tỉnh) mà thôi để họ có nhiều thì giờ tìm hiểu các nạn nhân hơn. Ngoài phẩm vật, tiền tài, những người phụ nữ này đang bơ vơ, sợ hãi, đang cần những tấm lòng lân mẫn thành thực, những lời khuyên thiết thực để họ có thêm sức mạnh tìm kế sinh nhai nuôi đàn con thơ dại. Số tiền do các bạn bè, thân quyến từ Úc, Mỹ hay Canada tự động quyên góp gửi về, đối với người bị nạn, thật là những thể hiện của tình đồng bào, của lòng từ bi. Ðó cũng là mồ hôi nước mắt của người ở Hải ngoại. Anh Hoàng cho là anh có trách nhiệm dùng số tiền đó một cách rất cẩn trọng, để số chi phí về điều hành rất nhỏ, và không bị thất thoát một cách phi lý, không để người ta lợi dụng cơn bão mà làm giàu trên những nạn nhân đang đau khổ. Khi trở về Saigon, tôi không biết mình vui hay buồn. Chắc những thước vải và bao thơ 150 ngàn VN cũng giúp được một số nạn nhân của cơn bão Linda có được chút gì trong cơn khốn khó. Chắc nhiều nạn nhân cũng cảm thấy ấm lòng khi thấy bà con ở ngoại quốc xa xôi cũng vẫn nghĩ tới mình. Nhưng còn bao nhiêu nạn nhân khác mà chúng tôi không được gặp? Những nạn nhân thật sự của cơn bão, liệu có bị bỏ quên, không một lần được nhận quà? Liệu họ có gặp được những phái đoàn từ thiện khác chăng? Những người có lòng như chị Năm, anh Hoàng.... liệu họ có nản chí đi khi bị những bức tường người ta dựng lên để ngăn chặn giữa người cho và người nhận? Chúng tôi đã được báo trước rằng làm việc từ thiện tại Việt Nam không dễ dàng. Nhưng, không phải là không làm được!

Tiểu Du




Trang Nh L?ch Trnh Tu H?c L Th? Tu H?c Hnh ?nh sinh ho?t ng gp Trang b?n Cc nh xu?t b?n

Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Lần sửa chữa cuối: 12/3/2001
Trình bày và thực hiện bởi nhóm tu học Thuyền Từ vùng Washington DC