Đóng góp của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn
trong Lá Thư Tu Học tháng 8, 2005



Nhằm tạo cơ hội cho các gia đình của toàn thể tăng thân gặp gỡ và sống chung trong một môi trường thiên nhiên đẹp, tăng thân Thuyền Từ đã tổ chức chuyến đi Yosemite Park tại California tuần lễ từ 26 tháng 6 tới 2 tháng 7 năm 2005. Dưới đây là những đóng góp của tăng thân về chuyến đi này.

Thuyền Từ đi Yosemite Park
Đi Như Một Dòng Sông

viết bởi anh Chân Minh Tuệ

Sau gần sáu tháng chuẩn bị và tổ chức rất kỹ lưỡng, tờ chương trình cho chuyến đi Yosemite Park của tăng thân Thuyền Từ tuần lễ từ 26 tháng 6 tới 2 tháng 7 năm 2005 đã được thành hình với rất nhiều dữ kiện và hình ảnh mầu rất đẹp về Yosemite, không thua gì tờ quảng cáo của các hãng du lịch. Cám ơn anh Dũng, anh chị Phong và Mai Phương, anh chị Hưng và Thủy, và chị Minh-Lệ đã bỏ rất nhiều thì giờ để sưu tầm dữ kiện và sắp xếp rất nhiều vấn đề liên quan đến chuyến đi cho cả tăng thân 35 người như: mua vé máy bay, đặt mướn lều tại Yosemite Park và khách sạn tại Cựu Kim Sơn (San Francisco), mua thức ăn mang theo và nhờ bạn mua thức ăn tại San Jose, mướn xe, xếp phòng, v.v. Chương trình tuy vậy vẫn đầy ắp sinh hoạt: trèo núi, đi suối, chơi thuyền, picnic, sinh hoạt chánh niệm, v.v.

Chuyến đi bắt đầu với chuyến bay rời Dulles Airport, Virginia khoảng 8 giờ sáng Chủ nhật 26 tháng 6, 2005. Ngoại trừ hai gia đình đã đi California trước, phần lớn tăng thân đi chuyến bay này. Chúng tôi đến San Francisco trước giữa trưa, mướn năm chiếc minivan, và hướng về tư gia anh chị Khải-Trâm tại San Jose để mang lên Yosemite những thức ăn, nước ngọt, và nước suối mà anh chị Khải-Trâm đã mua giùm tăng thân. Các thức ăn này chất đầy tất cả năm xe. Tuy chuyến đi hơn bốn tiếng đồng hồ và qua nhiều tỉnh dọc đường, nhưng chúng tôi liên lạc với nhau dùng walkie-talkie nên cả đoàn xe không chiếc nào bị lạc. Khoảng 8 giờ tối chúng tôi đến Curry Village ở Yosemite Park, nơi chúng tôi sẽ ở trong các lều vải. Mọi người đều mệt nhoài sau hơn sáu giờ bay, năm giờ lái xe, và khoảng hai giờ chất và giỡ đồ ăn từ nhà anh chị Khải-Trâm lên xe và từ xe vào các tủ chứa ở Camp Curry.

Sáng thứ Hai, mọi người đều dậy trễ. Sau khi ăn sáng, chúng tôi gói thức ăn trưa và lên xe đi Mariposa Grove, cách Camp Curry khoảng một tiếng rưỡi lái xe, để đi xem rừng cây Giant Sequoias. Sau khi ăn trưa tại trạm nghỉ gần bãi đậu xe, nhóm thanh thiếu niên xin phép được đi trước vì các cháu muốn trèo núi xa hơn và có lẽ sẽ đi nhanh hơn các vị trung niên. Số người lớn và các cháu bé còn lại chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên gồm các bác lớn tuổi, vài cháu bé và vài chị không quen trèo núi sẽ mua vé đi xe kéo (xe “tram”). Trên xe này, mỗi người được phát cho một ống nghe tai (headphone) để nghe lời thuyết minh về Yosemite Park và cây sequoia. Nhiều vị trong tăng thân rất thích phần thuyết minh này. Nhóm thứ hai gồm các vị trung niên còn lại. Chúng tôi bắt đầu buổi trèo núi bằng cách đi sâu vào các rừng cây thông và sequoia. Cây sequoia rất mạnh và chỉ lớn khi có những cơn cháy rừng. Hạt cây sequoia, lớn bằng một hạt gạo, chỉ nứt mầm dưới sức nóng dữ dội của những trận cháy rừng. Trong rừng thông và sequoia này, sự sống biểu hiện khắp nơi dường như bắt đầu từ sự tàn hoại; thứ này nuôi dưỡng thứ kia. Dọc đường, chúng tôi thấy rất nhiều rừng cây sequoia với thân cháy đen, nhưng thân cây rất thẳng và rất cao, có khi cao cả trăm bộ. Chúng tôi dừng lại tại một cây sequoia với thân rất lớn, có tên là Grizzily Giant, có lẽ khoảng vài chục người chúng tôi dang tay mới vòng được hết thân cây này. Chúng tôi đi thiền hành chung quanh cây này với ý thức sáng ngời trên mỗi bước chân. Rừng núi Yosemite và rừng cây sequoia cao lớn và hùng vĩ đang nâng đỡ chúng tôi. Mỗi bước chân đặt trên đường rừng giúp lòng chúng tôi êm dịu lại, cảm giác vững chãi lớn lên, và rừng cây sequoia hiện ra sáng hơn và rõ ràng hơn. Dọc đường, chúng tôi thực tập thiền ôm với nhiều cây sequoia có thân rất lớn để hưởng năng lượng hùng hậu của những cây này. Tôi đã đứng giữa một thân cây sequoia rỗng ruột, thở có ý thức và thấy mình và cây có cùng một bản chất. Lòng tôi cảm thấy bình an một cách lạ kỳ. Trên đường về lại chỗ đợi, chúng tôi đi quá giang xe kéo (xe “tram”) vì hai cháu gái cảm thấy hơi mệt sau gần hai tiếng đi bộ. Chiều hôm đó, gia đình anh chị Hưng-Thủy, anh chị Khải-Trâm và chị Minh-Lệ cũng đã đến Camp Curry và gia nhập vào chúng. Tối đó, chúng tôi hẹn nhau tại nhà ăn của Camp Curry, ăn tối chung, và tính chương trình cho ngày mai.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tụ họp trước lều của anh Phong và chị Mai Phương uống cà phê và trà nóng. “Quán cà phê” này chỉ mở mỗi sáng sớm trước giờ ngồi thiền mà thôi! Sau đó anh Thư hướng dẫn đại chúng tập khí công trước khi lên xe đi ra bờ sông. Tại đây chúng tôi đã đứng yên nhìn và lắng nghe dòng nước chảy, và đi thiền hành dọc bờ sông. Thời thiền hành buổi sáng giúp mọi người sống và hưởng trọn vẹn hơn những sinh hoạt trong ngày. Hôm nay, sau khi ăn sáng chúng tôi đón xe buýt đi thăm thác Vernal và Nevada. Chúng tôi mang theo thức ăn cho cả trưa và tối và dự định sẽ sinh hoạt tại thác Vernal cả ngày. Tuy nhiên vì con đường lên thác khá khó khăn, mọi người rời thác khoảng bốn giờ chiều và ăn tối tại Camp Curry. Nhóm thanh thiếu niên mang theo một vài walkie-talkie xin phép được đi trước. Nhóm này đã trèo lên đỉnh thác Vernal và tiếp tục trèo qua đoạn đường khúc khuỷu để tới thác Nevada, khoảng nửa dặm cao hơn thác Vernal. Chúng tôi nghe các cháu kể lại cảnh trên đây đẹp tuyệt vời. Nhờ chiều cao của thác, cảnh đẹp chung quanh thác được ngắm nhìn không có gì ngăn cản. Phần còn lại của tăng thân bước theo chị Anh Hương theo Misty Trail từ từ đi lên thác Vernal. Đường lên thác có đoạn là đường đất và có đoạn lát gạch, có đoạn trải sỏi vụn, có đoạn là những bực thang, có bực cao hơn một bộ rưỡi. Khoảng hơn giữa đường lên thác, có một chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng nước đổ. Từ trên cầu, chúng tôi đã thấy thác Vernal ở xa xa. Khung cảnh tại đây đã rất đẹp và hùng vĩ. Tại cầu này, ba gia đình không lên đến đỉnh thác Vernal đã ăn cơm trưa và nghỉ trưa. Tôi có dịp chơi với cháu Hiếu, con của anh Hạnh, khoảng tám tuổi, những trò chơi đơn giản dùng những hòn sỏi nhiều màu. Hai bác cháu đã đi tìm nhiều cành cây nhỏ, đặt lên đất làm thành bàn cờ tic-tac-toe, và chơi bằng cách thở ba hơi thở trước khi đặt một hòn sỏi xuống. Hiếu rất thích vì đã thắng được bác Viên! Hai bác cháu cũng đi thiền hành qua bên kia cầu, ngồi ngắm và nghe nước chảy trên một phiến đá khá bằng phẳng. Đến giữa trưa, chúng tôi rủ nhau đi ngược lại Misty Trail, từ từ đi về trạm xe buýt. Dọc đường chúng tôi dừng lại tại một con suối nhỏ, sắn ống quần lên và chạy xuống chơi nước. Nước suối lạnh buốt làm tay tôi tê cứng chỉ sau vài giây. Cháu Hiếu chỉ cho tôi những vết muỗi cắn trên tay cháu. Như một cử chỉ thương yêu tự nhiên, tôi thở nhẹ và lượm một hòn sỏi dưới đáy sông lên, đặt lên vết muỗi cắn, nhìn cháu cười và nói “Hết đau rồi”. Vì nước suối và hòn sỏi rất lạnh, có lẽ Hiếu cảm thấy hết ngứa liền lập tức. Hiếu bèn chỉ vào những vết muỗi cắn trên tay tôi, cầm hòn sỏi đó nhúng xuống nước, đặt lên một vết muỗi cắn, nhìn vào mắt tôi cười và nói “Hết đau rồi”. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sự ngây thơ, hồn nhiên, và rất có mặt của Hiếu làm tôi cảm thấy trẻ lại và luôn là sự nhắc nhở tôi cũng phải thực sự có mặt với Hiếu. Tôi biết cháu có rất nhiều niềm vui trong thời gian này vì những ngày sau đó Hiếu luôn tìm tôi và rủ tôi đi chơi với cháu. Chắc Hiếu không biết là tôi cũng đã sống rất trọn vẹn những giây phút đó và cũng có rất nhiều niềm vui chơi cờ, thiền hành và chơi nước suối với cháu.

Phần đông tăng thân đều đã lên được đỉnh thác Vernal. Vị lớn tuổi nhất lên được đỉnh này là bác Sanh, thân phụ của anh Dũng, đã ngoài 80 tuổi. Tôi nghe nói trên đây cảnh rất đẹp, có bãi cát trắng, và nước đổ vào bãi cát từng lượn một. Bác Luân đã chụp một tấm hình có cô Cúc ngồi tắm nắng trên bãi cát này, đã cắt đi những cành thông, và nói là không ai có thể ngờ được đây là trên một đỉnh thác chứ không phải là một bãi biển. Tôi nghe nói lại là trên đỉnh thác Vernal, tăng thân đã ăn cơm trưa với nhau, nghỉ trưa và đến giữa trưa thì cũng cùng nhau từ từ đi ngược lại Misty Trail về bến xe buýt. Quý vị lên được đỉnh thác Vernal đều đồng ý đi xuống khó hơn đi lên rất nhiều vì hơi nước từ thác bắn qua, cộng với gió thổi khá mạnh ở đỉnh cao, và những bực thang khá cao và trơn vì ướt nước. Trên đường xuống, qua khỏi chỗ khó nhất là những bậc thang cao thì cô Cúc trượt chân và té. Anh Khải đã cõng cô đi một đoạn và sau đó thì nhân viên cứu thương lên đến đưa cô về bệnh xá, bó bột cho cô, và cho cô mượn một chiếc xe lăn. Dù chân đau, cô Cúc luôn có một nụ cười trên môi và lúc nào cũng nói diễu. Có lần cô cao hứng nói “Bây giờ bị mất thần thông hết đi được trên mặt đất rồi …” Câu nói này là một tiếng chuông rất lớn cho cả tăng thân. Khi đi trên mặt đất và biết là mình đang đi trên mặt đất đã là thể hiện thần thông rồi! Tôi nhìn cô cười hiểu ý. Cô Cúc quả là một viên ngọc quý của tăng thân.

Sáng thứ Tư, như thường lệ, chúng tôi tụ họp trước lều anh Phong uống cà phê và trà nóng trước khi đi xe tới địa điểm ngồi thiền. Sáng nay tăng thân ngồi thiền trên một chiếc cầu gỗ bắc ngang một nhánh của sông Merced. Để tới cầu này, chúng tôi phải đi qua một cánh đồng cỏ cao hơn đầu gối. Năm nay nước suối trên nguồn đổ xuống nhiều nên muỗi ở đây đã sinh sản quá mức bình thường. Muỗi rừng rất “dữ” vì dù chúng tôi đã bôi thuốc làm cho chúng sợ nhưng chúng vẫn xông vào cắn tứ tung, cắn xuyên qua cả quần áo. Tôi lãnh rất nhiều mũi ở cả hai tay và chân, và bốn mũi ở sau lưng vì muỗi đã cắn xuyên qua áo của tôi. Ra tới cầu, chúng tôi trải khăn lên cầu và ngồi thiền với nhau. Thật là tuyệt vời và hạnh phúc được ngồi thiền trên cầu với tăng thân, nghe tiếng nước chảy, nghe gió thổi thoảng qua lành lạnh và tiếng muỗi vo ve bên tai, và cảm được hơi ấm của mặt trời sau lưng. Sau thời thiền tọa, chúng tôi nắm tay nhau thành vòng tròn và hát vài bài thiền ca trước khi trở về lại trại ăn sáng. Nhiều người Mỹ đi đến cầu đã dừng lại để nghe chúng tôi hát và trao đổi với chúng tôi ánh mắt và nụ cười thân mật. Niềm vui mỗi ngày được làm bằng những niềm vui nho nhỏ.

Theo chương trình thì sáng nay chúng tôi sẽ mướn một số thuyền (raft) và trèo trên sông Merced. Tuy nhiên vì nước sông chảy hơi mạnh nên chỗ cho mướn thuyền đã đóng cửa và không cho mướn nữa. Tăng thân quyết định picnic tại Swinging Bridge. Tại đây chúng tôi kiếm được một khoảng đất bằng phẳng và không có cỏ nên ít muỗi, đã trải khăn ra và đặt lên các thức ăn đem theo. Mọi người ngồi yên thở với nhau vài phút và bắt đầu ăn trưa. Các trò chơi mọc lên khắp nơi. Các chàng thanh niên (có chàng ngoài năm mươi!) rủ nhau ném và bắt banh football. Mấy chị rủ các cháu nhỡ nhỡ đánh vũ cầu (badminton). Vài bác lớn tuổi rất thích chụp hình nên đã đặt máy hình lên tripod và bấm lia lịa. Có bác thích ngồi ăn trưa và ngủ dưới một gốc cây. Một số các cháu rủ nhau xuống tắm suối. Nước suối ở đây cũng lạnh như nước suối ở thác Vernal mà chúng tôi có dịp “thử” hai hôm trước. Hình như tuổi trẻ chưa biết lạnh lắm nên các cháu đã nhẩy xuống tắm giữa dòng!! Chị Anh Hương và chị Liên rủ nhau chơi lò cò. Trò chơi này dần dần hấp dẫn số đông tăng thân. Lúc đầu chỉ có hai chị, nhưng chỉ sau mười phút thì chị Ánh, chị Trâm, chị Thủy đã nhập vào trò chơi này. Các chị này lúc còn nhỏ chắc ai cũng đã từng “lò cò” nên bây giờ người nào cũng cảm thấy gần gũi với trò chơi này và có rất nhiều niềm vui. Cháu Hằng, mười hai tuổi, và anh Hưng cũng nhập bọn. Anh Hưng nhảy lò cò hay lắm, nhảy suốt tám ô mà không làm lỗi gì cả. Đến giữa trưa thì tăng thân rất hỷ hả thu xếp thức ăn đi về lại trại. Chuyến đi picnic đã làm cho mọi người trẻ lại, đã tưới tẩm nhiều hạt giống hạnh phúc, và giúp các cháu có thêm cơ hội sinh hoạt với người lớn và với nhau để hiểu nhau hơn. Những sinh hoạt chung này làm tôi thấy rõ hơn hạnh phúc là hạnh phúc chung mà không bao giờ là hạnh phúc cá nhân. Làm hạnh phúc là biết tự chăm sóc cho mình và chăm sóc cho những người thương xa gần.

Sau khi về đến trại (Camp Curry) và đã tắm rửa sạch sẽ, tăng thân lại họp nhau trước lều của anh Phong, uống trà, ăn kẹo bánh và ca hát trước khi đi ăn tối. Tối nay mọi người đi ngủ rất sớm để chuẩn bị cho chương trình sáng mai.

Sáng thứ Năm, mọi người thức dậy khoảng ba giờ sáng kể cả các cháu bé và lên xe đi Glacier Point để ngồi thiền ngắm mặt trời mọc. Nơi đây rất cao nên vẫn còn tuyết trắng dọc bên đường. Thật là hạnh phúc được ngồi thiền trên đỉnh cao với tăng thân và những người thương, và nhìn mặt trời lên dần giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, thiêng liêng, với rừng thông xanh và tiếng thác chảy. Sáng hôm đó, sau thời ngồi thiền, tôi mở mắt ra, mỉm cười nhìn mặt trời đang lên với mặt trăng vẫn còn nửa mảnh, và cảm thấy rất bình an. Thời gian và không gian như quyện lại với nhau và biến mất. Tôi không còn cảm thấy mong muốn gì hơn nữa. Được ngồi nơi đây trong giây phút này với gia đình và tăng thân đã là quá đủ. Trên đường đi xuống dốc để tới chỗ ăn trưa, tôi và nhà tôi tìm được hai tảng đá khá lớn và khá phẳng. Chúng tôi nằm xuống ngửa mặt lên nhìn mặt trời và mặt trăng. Chúng tôi chỉ có khoảng dăm phút trước khi mặt trăng biến mất. Nằm yên thở bên cạnh người mình thương trên đỉnh núi cao, trên tảng đá nhẵn, lạnh, và nhìn mặt trời và mặt trăng trên cùng một nền trời thật là hạnh phúc và tuyệt vời. Tôi mỉm cười với niềm biết ơn sâu xa dâng lên trong lòng.

Trên đường về trại, chúng tôi dừng lại tại thác Bridal Veil. Chúng tôi đã trèo lên tận chân thác, bị hơi nước bắn vào ướt cả mặt và quần áo, và đã hứng một bình nước suối đem về để uống. Nước suối ở đây rất trong và ngọt. Trong khi hứng nước suối, tôi trượt một chân xuống dòng suối vì tảng đá này phủ rêu xanh và hơi trơn. Nhà tôi nhanh tay nắm lấy cổ áo tôi lại như sợ dòng suối cuốn tôi đi. Nàng nói: "Em đâu có để suối cuốn anh đi được." Tuy một chiếc giày của tôi ướt nhẹp nước suối, lòng tôi rất vui vì được kéo lên và hơi có ý muốn trượt vài lần nữa!

Tối nay chúng tôi tổ chức lửa trại dùng hai chiếc đèn đốt bằng gas propane vì nơi đây bị cấm không được đốt gỗ. Chúng tôi ăn bánh, uống trà và sương sáo, và ca hát. Tất cả mọi người có mặt đều tham dự vào sinh hoạt ăn uống và ca hát, kể cả cô Cúc đang ngồi xe lăn. Anh Phong dạy cho các cháu bài “Con Chim Xanh” trong tập nhạc anh đem theo. Các cháu học hát rất nhanh. Cháu Vĩ Hà hát một bài nhạc bằng Anh ngữ để tặng đại chúng. Buổi lửa trại chấm dứt vào lúc mười giờ tối. Mọi người đi ngủ với nụ cười tươi trên môi.

Sáng sớm thứ Sáu, chúng tôi rủ nhau ra bờ sông ngồi thiền lần cuối trong chuyến đi này. Buổi sáng không khí ở đây mát và rất sạch làm mọi người cảm thấy dễ chịu. Yosemite Park, với núi rừng hùng vĩ, không khí trong lành, rừng cây xanh mướt, thác và suối khắp nơi đã là một môi trường thuận tiện nâng đỡ tăng thân trong năm ngày qua. Thân và tâm chúng tôi được thực sự nghỉ ngơi và thư giãn. Tình thân trong gia đình huyết thống và gia đình tâm linh được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Hạnh phúc và niềm vui đúc lại thành những khuôn mặt và những nụ cười thật tươi. Chúng tôi thu xếp và rời trại khoảng mười giờ sáng.

Trên đường đi San Francisco, chúng tôi ghé lại thăm tu viện Kim Sơn tại Watsonville. Từ bãi đậu xe toàn thể tăng thân đã đi thiền hành vào trong tu viện. Ý thức rằng đây là một cơ hội hiếm có để làm lớn tình thương trong tim, tôi đã bước từng bước một trong ý thức sáng ngời. Tại đây chúng tôi đã được lên thiền đường lễ Bụt. Sau đó thầy tri khách hướng dẫn chúng tôi đi xem hồ sen, đại hồng chung và cốc Phương Vân Am mà các thầy xây dành cho Sư Ông Nhất Hạnh. Tôi bước từng bước vào cốc với hết thân tâm như đang bước với Sư Ông. Cốc này mới được xây lại cách đây vài năm, rất khác với cái cốc mà tôi và nhà tôi đã có dịp uống trà với Sư Ông chín năm trước. Trong nụ cười chúm chím, chị Anh Hương nói với thầy tri khách rằng cốc rất đẹp và khang trang, chỉ thiếu một tấm hình của Sư Ông Nhất Hạnh mà thôi. Bước lên tầng trên của cốc trong chánh niệm, tôi cảm được sự có mặt của Sư Ông rất rõ trong từng hơi thở khi nhìn chiếc giường Sư Ông đã từng nằm, nhìn chiếc bàn viết Sư Ông đã từng ngồi viết, nhìn chiếc bàn tiếp khách Sư Ông đã từng mời chúng tôi uống trà với Người, và nhìn chiếc võng trắng ở ngoài sân nơi Sư Ông đã từng nằm chơi và khuyến khích chúng tôi viết bài nhạc “Thiền Sư Khương Tăng Hội”. Những giờ phút ấm áp được ngồi uống trà và trò chuyện với Sư Ông năm nào sống dậy mãnh liệt trong tôi. Ngày xưa đẹp quá! Giây phút hiện tại này cũng đẹp quá! Trong khi mọi người đi coi đại hồng chung, tôi đã nán lại, nhắm mắt và ngồi yên thở trên một miếng gỗ bên cạnh chiếc võng của Sư Ông. Tôi muốn ngồi yên thở để được Sư Ông ôm ấp và an ủi tôi trong giây phút này, để cho suối nguồn yêu thương chảy vào đầy ắp trái tim tôi, tràn ra và thấm vào đất của tu viện. Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng đại hồng chung vang lên từ xa và mỉm cười. Tình thương bao la và không điều kiện của Sư Ông theo tiếng chuông ôm lấy tôi. Mắt tôi bỗng rưng rưng. Buổi trưa hôm đó chúng tôi đã dùng cơm trưa tại trai đường của tu viện.

Rời tu viện Kim Sơn, chúng tôi tiếp tục đi về hướng San Francisco. Trước khi đi coi cầu Golden Gate, chúng tôi ghé lại chơi tại một vườn hoa Nhật Bản. Nơi đây có rất nhiều hoa đủ mầu sắc. Nhiều ngôi chùa được xây lại tại đây như là những mẫu nho nhỏ của các chùa nổi tiếng bên Nhật. Chúng tôi đã đi thiền hành và đã chụp rất nhiều hình trước những thác nước nhân tạo, chiếc cầu vòng cao, và tượng Bụt Thích Ca rất to.

Rời vườn hoa, chúng tôi đi về phía cầu Golden Gate. Bãi đậu xe nơi chân cầu đã bị đóng cửa vì cầu đang sửa. Anh Khải dẫn chúng tôi lên một đồi rất cao để nhìn cầu này cho rõ. Trên đỉnh đồi gió lạnh thổi lồng lộng không làm giảm đi vẻ đẹp của cầu Golden Gate. Trong khi bác Luân đi qua lại chụp hình, chị Anh Hương đã phải nắm vạt áo của bác vì sợ gió thổi bác bay đi! Chị Trâm nắm vạt áo của chị Anh Hương vì sợ gió thổi chị Anh Hương bay đi! Mọi người nhìn nhau cười vang trên đường đi xuống bãi đậu xe. Tình thân đã có mặt nơi này. Tại một bãi đậu xe khá gần chân cầu, chúng tôi đã chụp một ít hình và chia tay nhau, một nhóm đi về phi trường Oakland, một nhóm về phi trường San Francisco. Chuyến đi Yosemite của tăng thân đã chấm dứt. Mọi người ra về trong niềm vui sâu sắc, thân và tâm đều cảm thấy khỏe vì đã được thực sự sống với nhau những ngày trọn vẹn tại một nơi núi rừng hùng vĩ.

Chân Minh Tuệ
Tháng 7, 2005

----- separator -----

Như Một Giòng Sông

viết bởi chị Minh-Lệ

Chuyến đi chơi ở Yosemite được các anh chị chuẩn bị một cách rất chu đáo trong âm thầm. Chắc hẳn ai cũng như tôi, đều thấy xôn xao khi nhận được tờ chương trình công phu không kém gì cẩm nang của một công ty du lịch chuyên nghiệp - “Thuyền Từ Goes to Yosemite - Đi Như Một Giòng Sông”. Chủ đề này làm tôi cũng hơi thắc mắc, chúng tôi đi thế nào để đi như một giòng sông?

Trước ngày đi, chúng tôi cũng nhận được lời nhắn nhủ của anh chị Chân Trí, Chân Ý: “Chuyến đi của chúng ta phải có công năng chữa trị và hồi phục thì mới xứng đáng là chuyến đi của một tăng thân tu tập. Núi rừng hùng vĩ và không gian thênh thang của Yosemite sẽ nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta mở được những cánh cửa còn khép kín của tâm hồn, tạo điều kiện chuyển hóa cho những khúc mắc, dằn vặt, khổ đau trong nội tâm của chúng ta. Tuy nhiên phép lạ đó sẽ không xảy ra nếu năng lượng chánh niệm của chúng ta èo uột, yếu kém. Trong những ngày trước khi lên đường, chúng ta nguyện sẽ giữ gìn nụ cười, hơi thở, bước chân trong chuyến du hành này. Chúng ta sẽ sinh hoạt, vui đùa một cách hồn nhiên, nhưng chúng ta cũng biết khi nào cần phải ngồi yên trở lại để tận hưởng sự có mặt của nhau…”

Tuy cũng chỉ là một chuyến đi chơi, nhưng phảng phất trong đó đã có sự khác biệt với các chuyến đi khác của tôi từ trước đến giờ. Lần nào tôi cũng bận rộn ngược xuôi những ngày trước đó để thu xếp việc nhà, việc hãng trước khi đi, chỉ còn kịp thì giờ vài tiếng trước đó xếp đồ đạc vào valise và vội vã chạy ra phi trường để lên máy bay mới ngồi thở phào. Lần này khác hẳn vì tôi còn được chuẩn bị tinh thần, còn có hành trang cho tâm nữa.

Buổi sáng ngày thứ ba tại Yosemite, tờ mờ sáng chúng tôi đã dậy lần lượt đến quán cà phê ngoài trời, trước túp lều lý tưởng 537 của anh Phong và chị Mai Phương, uống một ly trà nóng. Trời bắt đầu hừng đông, vạn vật như đang từ từ chuyển mình thức giấc. Ánh sáng nhẹ nhàng của ban mai đang lan vào không gian làm tan biến dần những bóng tối còn lảng vảng trong các ngõ ngách. Cả trại còn ngủ nhưng nhóm chúng tôi đã ra sân đầy đủ, theo sự hướng dẫn của anh Chân Trí bắt đầu tập vài động tác khí công thư giãn thân tâm để tiếp nhận năng lượng của trời đất. Tập xong, các anh tình nguyện làm tài xế lái mấy chiếc xe đến và chúng tôi kéo nhau lên xe ra bờ sông ngồi thiền để bắt đầu một ngày mới trong chánh niệm.

Đến bờ sông, chúng tôi thiền hành một đoạn đường để đến chỗ ngồi. Những bước chân có ý thức của một đoàn người, vững chãi bước trên mặt đất nhưng êm nhẹ không lay động thiên nhiên mà lại hòa quyện vào thiên nhiên. Dường như chưa bao giờ tôi thấy rõ những hạt sương lóng lánh đọng trên những ngọn cỏ bên đường như bây giờ. Hạt sương thật trong trẻo và tươi mát của bây giờ không hề có vẻ lo sợ vì sẽ bị tan biến khi ánh nắng sẽ lên cao. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn rõ những thân cây thông nứt nẻ đang bong những vỏ xù xì để lộ lớp da non bên trong ra như bây giờ - sự sống đang ló ra trong cái chết - cũng như có lần đi vào rừng cây Sequoia, tôi đã thấy những khúc rừng cháy rụi đen đủi, nhưng bên cạnh nó là những cây thông con đang âm thầm mọc nhú lên. Có những vỏ thân cây khác lại có những đường nét ngoằn ngoèo như hình một tấm puzzle thật hoàn mỹ làm tôi chợt nghĩ thì ra những sáng tạo của con người cũng chỉ là sự ghi chép bắt chước lại thiên nhiên mầu nhiệm. Tôi ngửa mặt lên bầu trời xanh ngan ngát không một đám mây để nhìn những ngọn cây thông nhọn vươn cao vút như đang chọc thủng vào nền trời ấy, tôi thấy bầu trời không những không đau đớn mà lại đang mỉm cười âu yếm bao dung với những ngọn cây đang nói chuyện với nó. Núi đá thẳng đứng sừng sững bên bờ sông in lên nền trời một lằn ranh giới sắc sảo mạnh mẽ, và bầu trời vẫn xanh dịu êm ả. Tất cả dường như có những cá tính riêng nhưng đều là một phần trong một bức tranh thiên nhiên toàn hảo.

Bờ sông đầy những bụi cỏ và lùm cây nên có rất nhiều muỗi. Chúng tôi phải kéo nhau ra giữa cây cầu gỗ bắc ngang chỗ nước chảy mạnh nhất của sông, để ngồi xa những nơi trú của muỗi. Mặt trời lên lấp lánh chói lòa trên giòng sông nên chúng tôi phải ngồi thiền quay lưng về phía mặt trời. Tiếng chuông nhẹ vang lên, những bình thuốc muỗi được chuyền tay để bôi lên người đã xong, và những ồn ào trong tâm trí đều lắng xuống. Một tiếng chuông nữa vang lên, ngân dài. Chỉ còn tiếng nước chảy thật to, mỗi lúc làm như mỗi to thêm khi những ồn ào của tri giác im xuống dần. Tôi nhắm mắt lại, theo dõi hơi thở, nhưng tiếng nước ào ào dưới chân cầu đưa tôi lang thang đến một bãi biển với tiếng sóng vỗ rì rào vào ghềnh đá. Tôi lại dùng hơi thở kéo mình về thực tại và thực tập mở trái tim ra để ôm lấy muôn loài, ngay cả những con muỗi đang vo ve bên tai. Tiếng nước vẫn chảy không ngừng, đều đều một âm vang, đột nhiên đánh vào tâm thức tôi một cảm nhận thật rõ ràng: giòng sông đang không ngừng đổi mới, nước không bao giờ dừng lại, vậy mà giòng sông lúc nào cũng vẫn ở đó và vẫn luôn là giòng sông ấy trước mắt tôi. Tâm tôi chợt rúng động, nhận ra một thực tại là thân thể này và mọi sự vật sự việc khác trên đời, cũng như giòng sông ấy, đều mang một hình tướng và tính chất nào đó mà ta có thể nhận diện bằng sáu giác quan của mình, nhưng thật ra từng tế bào trong nó đều đổi mới và biến chuyển không ngừng, như nước của giòng sông đang chảy vậy. Nước vẫn trôi đi, nhưng giòng sông vẫn là giòng sông của muôn thuở, không có quá khứ cũng như tương lai; cuộc đời vẫn đang trôi đi, nhưng cuộc đời vẫn là những giây phút này. Bây giờ tôi đang ngồi giữa tăng thân, những người nguyện sống trong tỉnh thức, có cả đứa con gái thương yêu bên cạnh trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình. Tôi biết rằng giây phút này rất thật và nếu tôi không hưởng nó trọn vẹn thì nó sẽ thản nhiên trôi qua, những giây phút khác lại thản nhiên đến bất kể gì xảy ra.

Bỗng nhiên tôi thấy một niềm hân hoan an lạc, không sợ hãi, không lo ngại gì nữa, tất cả đang tuần hoàn luân chuyển một cách tự nhiên, theo “lẽ đương nhiên”. Bây giờ chỉ có tiếng nước chảy của giòng sông bên tai, hơi ấm của mặt trời sau lưng, những làn gió mát nhẹ thoảng qua, và những người bạn chung quanh đang cùng tôi chia sẻ sự an lành của giây phút này. Tôi tiếp tục thở vào thở ra và thấy thân tâm mình nhẹ bỗng, tự do, không lo sợ hay chờ đợi điều gì nữa. Những hạt giống lo sợ về điều mình không biết không còn nữa, khúc nhạc của giòng sông và những bức vẽ của thiên nhiên đã giúp tôi thấy được thực tại này và hưởng được hạnh phúc của bây giờ. Tiếng nói của giòng sông đã đưa tôi về, và hình như là tôi đã cảm nhận được thế nào là như một giòng sông.

Minh-Lệ
20 tháng 7 năm 2005


----- separator -----

Một chuyến đi Hè

viết bởi anh Nguyễn Phong

Chuyến đi chơi Hè ở Yosemite lần này tôi có một cảm nhận mà có lẽ lâu lắm rồi tôi đã không thấy trong những chuyến đi nghỉ mát trước đây. Mọi năm tôi thường có một tuần để đưa gia đình đi biển hay đi một nơi nào đó để nghỉ ngơi. Trong tuần lễ nghỉ hè đó, tôi có lẽ chỉ có được một hay hai ngày là được nghỉ ngơi đôi chút. Thời giờ còn lại hoặc là lo tổ chức cho chuyến đi, hoặc lo lắng sắp xếp cho chuyến về, hoặc để “làm quen” với môi trường nghỉ mát. Tâm trí tôi lúc nào cũng bận rộn ưu tư về chuyện tổ chức, sắp xếp, nên không thực sự cảm nhận được sự yên tĩnh và nghỉ ngơi mà đáng lẽ tôi phải có trong tuần lễ “nghỉ hè”. Đến khi về lại thì lại thấy tiếc nuối, cảm thấy chưa đủ, có lẽ phải cần thêm một tuần nữa mới cảm thấy thanh thản, thoải mái thật sự. Năm nào trong lúc đi về trong lòng tôi vẫn có cái cảm giác vương vấn như vậy.

Lần này lúc lái xe về lại, tôi chợt nhận ra mình không có cái cảm giác xao xuyến đó nữa. Trong lòng tôi cảm thấy có một niềm vui nhẹ nhàng, vừa lái xe vừa ngắm dòng sông trôi bên cạnh xa lộ, chạy theo như tiễn đưa chúng tôi. Dòng sông có vẻ lưu luyến chúng tôi lắm, lúc thì chạy bên trái với những thác ghềnh trắng xóa, lúc thì vòng qua bên tay mặt, trải rộng êm đềm. Tôi hẹn thầm: “Sông ơi, rồi có ngày ta sẽ lại gặp nhau! Cám ơn bạn thật nhiều đã ở với tôi trong những ngày qua! Bạn đã đem lại cho tôi thật nhiều bình an ở trong lòng.”

Nhớ lại những ngày ở Yosemite, buổi sáng chúng tôi dậy sớm ra ngồi thiền hoặc đi thiền hành bên cạnh dòng sông này, nghe tiếng nước chảy róc rách bên cạnh tiếng vang vọng của những ngọn thác lớn đổ xuống chung quanh thung lũng. Dòng sông chảy nhanh, nhưng thật đều đặn, không một chút hấp tấp. Có buổi sáng chúng tôi ra ngồi thiền trên một chiếc cầu gỗ, bị muỗi bu lại thật nhiều, vậy mà cả tăng thân vẫn ngồi yên hơn nửa tiếng, lắng nghe dòng sông rì rào, ngắm ánh mặt trời buổi sáng long lanh trên những làn sóng nuớc cuồn cuộn. Vào buổi sáng cuối cùng ngồi thiền với nhau bên bờ sông, chúng tôi đã ngồi rất lâu. Hôm ấy là ngày tôi hưởng được nhiều nhất cái năng lượng an tĩnh và vững chãi của sông núi Yosemite. Tới lúc cuối thời thiền tôi mở mắt ra và nhìn lần lượt từ chỗ tôi ngồi ra lần đến con sông, đến thung lũng bên kia, đến rặng núi phía trước và lần lên bầu trời bình minh trong xanh ở bên trên. Vạn vật như đang ngồi với tôi trong giây phút này, và đã từng ngồi yên như vậy hàng triệu năm rồi. Hôm nay tôi cũng được ngồi thật yên như vậy.

Chuyến đi Yosemite bây giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng có những hình ảnh có lẽ sẽ ở với tôi hoài. Mỗi buổi sáng mọi người dậy sớm, trời vẫn còn khá lạnh, tôi thích nhìn cảnh mọi người tụm lại, bàn tay khúm núm với những ly trà, cà phê đang bốc khói quanh “quán cà phê” trước lều của gia đình tôi. Trong những lúc tăng thân đi thiền hành hay ngồi thiền, bác Tuấn và bác Luân cũng thực tập thiền ... chụp hình, hai bác mỗi người một cái máy, với tripod đầy đủ, nhẹ nhàng đi chung quanh chụp hình tăng thân, chụp hình núi rừng. Tôi nhớ hình ảnh anh Viên và chị Liên lúc nào cũng quấn quít bên nhau trong những chuyến đi chơi, tình yêu của anh chị như đang ban trải cho mọi người chung quanh thật dễ thương. Tôi nhớ lúc mọi người khiêng cô Cúc về lều của cô, mặc dù chân đau mà miệng cô vẫn nở một nụ cười thật tươi, cặp kính trệ xuống trên hai gò má phính hồng hào. Tôi nhớ cái nhìn và nụ cười thật bình thản không chút mệt nhọc của bác Sanh, ba anh Dũng, ở trên đỉnh thác Vernal, và nhất là cái kinh ngạc, không tin ở mắt mình, của tôi khi thấy bác ở đó. Bác đã ngoài tám mươi mà vẫn dẻo dai leo núi với chúng tôi, quả là một bài học sống động về sự nhẫn nại và hơi thở chánh niệm. Tôi nhớ cái thiền ôm bên thác nước của chị Anh Hương với anh Thư, “You’ve made it!”, dễ thương quá! Tôi nhớ khuôn mặt anh Khải thảnh thơi “ngồi thiền” vô sự giữa mọi người đang trò chuyện chung quanh ở bên “bãi biển” Vernal Fall. Còn nhiều, còn nhiều nữa...

Buổi sáng ở trên đỉnh Glacier Point ngắm mặt trời mọc, ngồi ôm con trong lòng, tôi không ngăn được hai hàng nước mắt. Trước đó, cả tăng thân ngồi yên niệm Phật, những lời cầu nguyện, những dòng kinh như một lời nhắc nhở tôi phải luôn thắp sáng ngọn đèn chánh niệm. Hạnh phúc được sinh ra làm người, hạnh phúc được có một tăng thân, hạnh phúc được có người thương bên cạnh, tất cả những cái đó đang là một sự thật, đang phơi bày trước mắt và đang có trong vòng tay của tôi. Con tôi ngồi yên lắm, có lẽ nó cũng cảm nhận được phần nào cái giây phút mầu nhiệm và đầy thương yêu này. Tôi nói nhẹ vào tai con: “Thank you for being here with me!” Tôi biết ơn con tôi đã đến với tôi trong cuộc đời này, tôi biết ơn mọi người đã đến với tôi trong chuyến đi này, tôi cám ơn núi rừng hùng vĩ Yosemite đã cho tôi thấm thía hương vị ngọt ngào của sự bình an và vững chải. Bây giờ tôi thấy yên lắm! Thật biết ơn lắm!

Nguyễn Phong
26 tháng 7 năm 2005


----- separator -----

Yosemite and Me

by Holly Berman

Some of my fond memories include singing in front of Mai-Phuong’s and Phong’s cabin, watching Phong teach the children a song and listening to the children sing that song, meditating next to the river and the peaceful quiet in the van after morning meditation, seeing the children “soften” in their face and in their ways, feeling the pure energy of Yosemite on that first morning walk, seeing Sydney and Ernest count while John balances on a rock and Katherine watches, listening to Anh-Huong, Phong, Hanh, Dyung and Vien share their experiences that last morning of our trip and more…

After Yosemite, I was listening to a dharma talk on DVD at Mindfulness Practice Center of Fairfax (MPCF) Thursday morning meditation.  Thay Nhat Hanh was speaking about being mindfully happy during some of our daily activities, such as brushing one’s teeth.  When Thay spoke about being happy that we have water that comes out of the bathroom sink, I immediately saw the waterfall coming down from one of the glacier mountains and then saw the snow from the mountains higher up.   In that moment, I felt Yosemite’s presence with me.


----- separator -----

Ba Bố Con và Yosemite Park

viết bởi anh Tâm Lạc Hiền

Buổi sáng hôm tăng thân cùng nhau leo thác Vernal, trời còn rất sớm nhưng đã bắt đầu hanh nắng. Đường núi đá quanh co, cheo leo. Nhiều chỗ dốc bụi tung lên mờ mịt vì tấp nập người đi lên, kẻ đi xuống. Cũng may là sáng hôm ấy cô Holly có lòng tốt dẫn cu Hiếu giùm cho Hạnh đi đằng trước. Trên đường đi, Hạnh và bé Hằng đã dừng chân nghỉ lại nhiều chặng ở bên vệ đường. Nhưng khi hai bố con lên tới những bậc cấp trơn ướt, chỗ có cái cổng đá thiên nhiên ở trên đầu thì bé Hằng đã đuối sức. Cháu vừa mệt lại vừa quá sợ. Trời ở phía dưới chân thác thì im gió, nhưng khi leo đến ở đoạn vách núi này chung quanh khá trống trải nên gió thổi rất mạnh. Ở bên tay trái, ngay bên trên là thác nước Vernal hùng vĩ. Từng đợt nước trắng xóa tuôn đổ ào ạt, liên hồi, bất tận. Khi gió thổi tốc mạnh làm cuốn theo những bụi nước lạnh lẽo hắt từng hồi vào mặt những người leo núi như mưa phùn vào mùa đông. Quần áo của hai bố con Hạnh lúc ấy đã bắt đầu ướt sũng nước mưa. Hạnh vội đưa chiếc áo khoác đang mặc trên người cho cháu Hằng khi thấy cháu đang run rẩy vì lạnh. Bé Hằng có chiếc áo che thân nên đã bớt lạnh nhưng cháu vẫn quan tâm cho bố nên Hằng vẫn buột miệng hỏi lại: “Bố không có áo thì có bị lạnh lắm không?” Tôi trả lời: “Bố đã có áo dài tay, không sao đâu con ạ!” Lúc ấy hai bố tuy đã đói lắm nhưng vẫn còn ráng tiến bước thêm một lúc nữa vì nghĩ chắc cũng sắp đến nơi rồi. Nhưng đến khi Bé Hằng mếu máo bảo: “Con sợ lắm bố ơi! Mình đi về nghe bố?” thì Hạnh hiểu. Hạnh không thể ép cháu ráng đi thêm như Hạnh đã làm lúc hai cha con còn leo ở phía dưới những con dốc đằng sau. Đường đi xuống thác ít mệt hơn, nhưng rất dễ té vì bề ngang những bậc thang này rất hẹp. Bụi nước ngập tràn không gian như trời đang mưa lâm râm làm cho những bậc cấp bằng đá càng trở nên trơn trượt. Trên đường đi xuống, Hạnh gặp và nhờ cô Cúc và anh Phong đang đi lên nhắn với anh Dũng và tăng thân tình trạng của bé Hằng. Xuống một đoạn nữa Hạnh vui lắm khi thấy cô Holly, lúc ấy đang dẫn cu Hiếu đi lên. Khi quyết định cho bé Hằng đi xuống, Hạnh cứ tưởng là cu Hiếu sẽ không gặp bố và chị Hằng bữa ăn trưa hôm ấy. Nên khi thấy Holly và cu Hiếu, Hạnh mừng lắm!

Ba bố con nắm tay nhau cẩn thận đi từng bước chậm xuống những bậc thang. Có khi ba cha con phải dừng hẳn lại nép người sang một bên các bậc cấp, nhường bước cho những người khách thiếu kiên nhẫn, vì họ muốn qua mặt chúng tôi ngay. Đến một đoạn nữa thì gặp cô Ánh, bác Tuấn và anh chị Viên, Liên. Hạnh vô tình kể tình trạng đoạn đường dốc ở phía trước với chị Liên làm cho chị có định kiến trước với chuyện leo núi với anh Viên. Tuy không leo được đến đỉnh núi để ngồi ăn trưa chung với tăng thân, nhưng Hạnh có dịp ăn trưa với hai cháu. Ba bố con ngồi ăn ở mấy tảng đá tròn lớn ngoài bờ thác. Bé Hằng bình thường rất liếng thoắng trong khi ăn, nhưng hôm ấy cháu chỉ ăn rất miễn cưỡng và không nói gì cả trong gần suốt bữa ăn. Có một lúc cháu bỗng buột miệng bảo: “Bố à, con không bao giờ muốn trở lại đây nữa!” Tuy không ngạc nhiên khi nghe cháu nói như thế vì đã hiểu những gì đã xảy đến cho cháu trên dốc đá, nhưng Hạnh vẫn hỏi: “Tại sao con lại tuyên bố một câu nghiêm trọng như thế?” Nước mắt lưng tròng, cháu mếu máo một lúc mới trả lời: “Con sợ quá!” Hạnh đợi một lúc cho cháu nguôi ngoai mới hỏi: “Bây giờ con có còn nghĩ như thế nữa không?” Bé Hằng thư giãn nét mặt hơn nhưng không trả lời. Hạnh bảo: “Con thấy Julie, con cô Thủy không? Julie hôm nay leo núi rất giỏi. Chỉ hai, ba năm nữa thôi, con sẽ lớn và chân con sẽ khỏe như chân của Julie. Lúc ấy con sẽ leo Vernal Falls dễ như chơi! Lúc đó ba bố con mình sẽ trở lại leo lên đỉnh Vernal Falls, phải không?” Cháu không trả lời tôi nhưng nét mặt cháu đã tươi thắm và thư giãn trở lại. Ăn trưa được một lúc thì thấy bác Tuấn, chị Ánh và anh chị Viên, Liên cùng đi xuống. Thế là mọi người không hẹn mà rủ nhau đi xuống ngồi ăn trưa chung rất vui ở bên chân cầu gỗ. Nước từ thác Vernal cuồn cuộn tuôn chảy ở dưới chân cầu. Hạnh rất vui khi nói chuyện được với bé Hằng về những gì đã xảy ra ở trên dốc thác. Nếu cháu chỉ âm thầm kết luận riêng về chuyến leo thác Vernal: “Bé Hằng không bao giờ muốn trở lại đây nữa!”, lúc không có một người thân nào bên cạnh, thì nỗi sợ hãi này đã có thể cắm rễ sâu trong tàng thức của cháu, rất khó để cháu tự chuyển hóa sau này. Trong một môi trường thiên nhiên quá đẹp và hùng vĩ của Yosemite có bố, có gia đình và có các bạn để vui đùa, bé Hằng đã nói ra được nỗi sợ của mình và giúp cho nỗi sợ trong cháu thoát ra.

Tâm Lạc Hiền
27 tháng 7 năm 2005


----- separator -----

Núi Yên

viết bởi chị Tâm Khai Ngộ

Đã có lúc sống ở thành phố gần biển và thỉnh thoảng đi nghỉ mát trên núi, nhưng chưa từng được đến thăm vùng thung lũng, tôi hơi nao nức về chuyến đi cắm trại chung với các bạn trong tăng thân Thuyền Từ ở Yosemite Park mùa hè năm nay. Dạo gần đây, tôi hay nhớ đến hai câu thơ đã được nghe Sư Ông Nhất Hạnh nhắc vào một buổi giảng pháp tại Đạo Tràng Thanh Sơn, Vermont:

“Núi cao cho lắm núi ơi
Che khuất mặt trời, che khuất người thương”

Người làm thơ chắc chưa hiểu hết được cội nguồn của những nỗi khổ làm mình không đến được gần người mình thương, nên đành đổ lỗi cho núi vậy. Lòng núi rộng lớn, bao la nên núi có thể nhận tất cả những lời khen chê của con người từ năm này qua tháng nọ. Núi luôn mở lòng bao dung, che chở cho con người khi cần. Nghĩ đến hai câu thơ này tôi lại tủm tỉm cười về hai câu thơ Sư Ông đã dí dỏm sửa từ hai câu thơ trên:

“Báo cao cho lắm báo ơi
Che khuất mặt trời, che khuất người thương”

Sư Ông muốn nhắc nhở chúng ta về sự có mặt thực sự của ta với người ta thương trong gia đình. Chúng ta có thể quá bận rộn đọc báo để tìm kiếm, thu nhận những tin tức xa xôi, cao siêu bên ngoài nên mình không còn thấy được người thương của mình đang ngồi đối diện với mình trên bàn ăn sáng. Độ cao của núi thì tôi đã thấy; cái hùng vĩ của núi tôi cũng có thể mường tượng được; nhưng khi đến sống trong thung lũng Yosemite, tôi mới cảm nhận được tiềm năng bao bọc của núi. Tôi đã nương nhờ thật nhiều từ sự vững vàng của núi rừng Yosemite trong việc giúp mình dừng lại, để sống thật, sống yên trong giây phút hiện tại.

Từ khi đi Yosemite về, tôi đã nguyện sẽ thực tập tính kiên nhẫn, kiên trì của núi, học cái tính “yên” của núi. Đọc những câu chuyện về tiểu sử Yosemite, từ thời kỳ băng hà (Ice Age) cho đến bây giờ, thiên nhiên cũng theo luật vô thường, thay đổi, biến mình chuyển hóa từ thể dạng này đến thể dạng kia. Núi cũng bị ảnh hưởng cộng nghiệp của môi trường chung quanh, và núi cũng có biệt nghiệp riêng của nó. Điểm hay của núi là trong quá trình chuyển hóa, núi giữ được tính “yên” của mình. Và nhờ vào tính “yên” này mà núi rừng, cỏ cây, sông nước của thung lũng Yosemite đã mang lại sự thảnh thơi và bình an cho hàng triệu khách đến viếng thăm. Từ triệu năm trước núi đã biết được tầm quan trọng của tính “yên” mà chị Chân Minh Đức đã chia xẻ trong khóa tu của Thuyền Từ mùa Xuân năm 2005: “Làm cái gì cũng được, nhưng nhớ giữ cho lòng mình yên; nhớ hỏi là mình có yên không?” Núi đã và đang giữ cho núi thật yên. Khi viết đến đây, tôi mỉm cười vì đã kiếm được tên cho những ngọn núi ở Yosemite. Tôi sẽ gọi chúng là Núi Yên. Bây giờ và về sau, mỗi lần cảm thấy không yên, tôi sẽ quay về và nương tựa nơi những trái Núi Yên này. Trong tăng thân Thuyền Từ cũng có những trái Núi Yên mà ta có thể đến để thăm viếng, tâm sự, ngồi thiền, uống trà, hoặc đi thiền hành chung. Hạnh phúc luôn nằm trong tầm tay của ta.

Tâm Khai Ngộ
Hè 2005




Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản




Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyen Tu vùng Washington DC