Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản

Đóng góp trong Lá Thư Tu Học tháng 10, 2007 của tăng thân Thuyền Từ vùng Hoa Thịnh Đốn


Quà Của Thầy Tôi

Thức lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết tình người đậm sâu

Tôi mượn hai câu ca dao và thay hai chữ cuối " đắng cay" thành hai chữ "đậm sâu" để nói lên ít nhiều về tình thương và trí tuệ của hai vị giáo thọ ở Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm tại Fairfax (MPCF) và Thuyền Từ dành cho tăng thân trong đó có tôi. Điều này dễ mà khó. Rất dễ vì tôi đã cùng các vị này qua nhiều thăng trầm, chia vui sẻ buồn trong bảy năm vừa qua, có bao nhiêu điều tôi muốn kể. Rất khó vì chữ nghĩa quá hạn hẹp so với tình nghĩa mà tôi đang chứng nghiệm. Lòng từ bi và tuệ giác của hai vị thấm vào thân tâm tôi từ từ như sương thấm vào khách lữ hành đi thâu đêm.

Khóa tu Thuyền Từ lần này vào mùa hè, ấm áp, đúng vào ngày kỷ niệm đám cưới của chúng tôi. Sáng sớm đi thiền hành chung, tôi hay thấy những sợi cỏ dài còn giữ được nhiều giọt sương đang phản chiếu ánh nắng ban mai lung linh, đẹp tựa những hạt kim cương. Nhờ có mặt, tôi mới thấy được đó là món quà thiên nhiên tặng chúng tôi. Khoảng thời gian gần đây, tôi thực tập nương nhờ hơi thở chánh niệm như lời thầy dạy, theo dõi mạt na thức nên tôi đã tránh không bị rơi vào hố sâu của nghiệp lực. Lòng tin và sự biết ơn lớn dần với những thành công này. Tôi hay ngồi yên ngắm tâm mình như đang ngắm dòng nước của con suối nhỏ trong công viên gần nhà. Tôi đã được học cách gọi tâm về ngồi thở với tôi qua những lời chia sẻ rất thật của các bạn ở MPCF. Thầy tôi hay nói "Có cầu mới có linh" trong những buổi pháp thoại, pháp đàm và trong nhiều lần nói chuyện riêng với tôi. Tôi phải cho phép, bằng lòng mở lòng ra thì thầy mới dám đụng đến anh chàng mạt na dày đen kín của tôi. Với tuệ giác và nhờ kinh nghiệm giúp nhiều người, thầy tôi biết mạt na thức của tôi là con dao hai lưỡi, có nhiều tài, nhất là về tài vẽ vời. Mạt na thức khiến ta thỏa mãn khi chúng cho ta nghĩ là chúng ta đang làm việc hữu ích, giúp người. Thật là như vậy, tôi bỏ khá nhiều thì giờ và năng lượng để quảng bá về bước chân, hơi thở hơn là thời gian tôi thực tập thở và đi. Tôi tập vớ vẩn qua loa là đã tự mãn. Dĩ nhiên là không ai biết chỉ trừ thầy và tôi. Thầy biết là nếu tôi thực tập "y như" lời thầy dạy thì tôi không còn tiếp tục nói và làm nhiều như thế. Thương học trò chưa dừng lại được, thầy kiên nhẫn cho tôi bài thực tập khác. Buồn thay, tôi vẫn bị cuốn vào nghiệp lực của ngã và vô minh. Khả năng sáng tạo của mặt na thức trong tôi ngày càng tinh xảo! Chúng múa may làm tôi xa thầy mình hơn. May là trong khóa tu với tăng thân người Mỹ hai năm trước, tôi tạo được hơi thở ngọt ngào cho mình y như lời anh Chân Trí nói đêm đầu tiên (orientation night). Anh hỏi đại chúng "Have you tasted your delicious breath yet?" Lần đầu tiên thở được như vậy, tôi thấy nó ngọt ngào như tình mẹ trong hai câu ca dao:

"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau"

Tôi bắt đầu có niềm tin và không muốn phí thì giờ, làm uổng công lao thầy nữa. Bởi vậy đầu năm nay khi chị Chân Ý gọi khuyên tôi thay vì thành lập một nhóm tu học khác thì tôi hãy đến để ngồi thiền đều đặn tối thứ năm ở MPCF. Chị nói đó là cơ hội cho thầy trò có nhiều thì giờ với nhau. Tôi thấy thầy mình có lý. Thầy đã có chỗ, đã tạo được một tăng thân vững chãi, tôi chỉ cần đến đó là kiếm thấy mọi thứ mình cần. Tôi mà không đến được đó thì làm sao tôi làm được những chuyện khác khó khăn hơn như thành lập một nhóm khác! Chín tháng nay tôi không còn đến nhà thầy uống trà riêng với người nữa. Chúng tôi có nơi hẹn mới rồi mà! Tôi gặp thầy tôi và vài ba vị thiền sinh Việt Nam ít nhất một tuần một lần ở MPCF. Mấy tuần đầu thì không có thấy gì đặc biệt nhưng từ từ tôi thấy quen và thoải mái với mọi người. Sự thực tập chung với các người bạn Mỹ và Việt trong môi trường như vậy rất an toàn. Tôi hết còn nói lung tung nhờ ý tưởng mạch lạc, trong sáng, phong phú, sâu sắc của thầy, của bạn thấm vào tôi từ từ. Từ ngữ cao ngạo biến đi, thay vào là lời nói khiêm tốn dễ nghe. Lời thầy hướng dẫn trong tối thứ Năm tuy là chung nhưng mà tôi vẫn thấy được cái riêng của thầy dành cho tôi. Có khi vì nghe lời tâm sự của tôi với tăng thân mà thầy biết tôi vẫn còn yếu chỗ nào, trước khi về thầy kéo tôi ra, cho tôi những lời khuyên riêng để mang về thực tập. Có nhiều đêm tôi khỏe và tôi vẫn muốn đến đó. Đến vì muốn thầy mình vui, vì muốn gặp thầy, vì cái không khí dễ chịu, khung cảnh ấm cúng, đến để hấp thụ định lực, năng lượng chánh niệm nơi ấy. Có hôm tôi mệt, tôi vẫn đến để nghỉ ngơi. Có lần tôi mệt trong người lắm, định không đi, khi đến được rồi, tôi chỉ còn đủ sức kéo chiếu ra nằm, không nói nổi với ai một câu, và cũng không đứng dậy đi kinh hành. Thầy đi ngang, ghé qua, lấy chăn đắp cho tôi. Tối hôm ấy về nhà tôi ngủ thẳng một giấc, ngày hôm sau người khỏe trở lại. Có bữa tôi nằm, nhắm mắt, theo dõi hơi thở, cứ tưởng là mình đã thư giãn hết toàn thân, cho đến khi thầy đặt bàn tay ấn vào bắp thịt vai thì tôi mới nhận ra là người mình hãy còn căng lắm. Thầy cứ như vậy mà giúp tôi bỏ dần những tri giác sai lầm (wrong perception) về chuyện này, chuyện nọ. Khi ra về tôi cũng lấy vài lời thầy chia sẻ làm lời khuyên trong việc thực tập cho những ngày sắp đến. Tôi hết còn đùa giỡn coi thường lời thầy giảng nữa. Khi thầy bảo tôi thực tập đón nhận tình thương của thiên nhiên, tôi bỏ không ngồi trước máy vi tính, chuyện trò, đọc điện thư hay xem TV. Tôi đi ra ngoài, ngắm trăng sao, xem mặt trời mọc hết lòng. Tôi thở nhẹ để mang dưỡng khí vào từng thớ thịt, làn da trong người mình. Tôi xin trăng sao truyền cho tôi năng lượng yên và sáng, để gió cuốn đi nỗi lòng băn khoăn (anxiety) trong tôi. Có đêm về tôi tránh không nói chuyện vì thầy khuyên chúng tôi nằm thở như là chúng tôi sẽ nằm không bao giờ dậy nữa. Cách thực tập này làm lớn mạnh khả năng dừng lại trong tôi. Đêm đó tôi thật sự không còn muốn hơn thua với ai nữa và cũng không còn e ngại người khác sẽ nghĩ về tôi như thế nào. Lời phô trương, những câu hỏi tại sao, lý sự luẩn quẩn của tâm nhẹ như những nốt nhạc lạc điệu. Chúng nằm im, thở với tôi, không còn làm tim tôi đập mạnh hoặc nói và làm một cách bốc đồng (impulsive talks, actions). Sáng dậy tôi vui với sự tự do, vững chãi mới đạt được. Thấy tôi có tiến bộ, thầy vui lắm, thầy thường ôm tôi và nói: "Thủy chịu khó đến mỗi tối thứ năm như vậy là Thủy đã cho Anh Hương món quà quý nhất rồi đó."

Hè này thầy tôi bịnh nặng, thầy không đến được tối thứ năm và phải hủy bỏ ngày quán niệm MPCF hàng tháng. Tôi đi thiền hành ngoài trời, tôi làm y như lời thầy dạy, gom nhặt năng lượng bảo bọc của thiên nhiên để gởi về tặng thầy. Tôi thấm thía sự vô thường về sự có mặt của thầy. Tôi đi kinh hành để ôm ấp, vỗ về cảm thọ này. Vài giọt nước mắt lăn trên má trong những bước chân kinh hành. Cùng một lúc, tôi mỉm cười nhận ra là mình hết lòng để tâm ý vào bước chân kinh hành hôm ấy. À, hóa ra thầy đã thành công trong việc truyền được cho khá nhiều người trong đó có tôi lòng quý yêu pháp môn, sự chuyên cần thực tập của người. Tôi mừng vì thầy đã gầy dựng nên một thiền đường cho tôi có nơi thực tập. Thầy có ra đi tôi vẫn còn có một tăng thân thực sự muốn tu, tu đúng hướng, đúng đường và rất chuyên cần. Lời thầy dạy nhờ vậy mà không bị mai một. Tối thứ Năm tuần đó, khi thầy ở khoá tu Colorado với Sư Ông, chúng tôi vẫn đến MCPF thực tập. Chúng tôi chia sẻ với nhau y như là thầy vẫn ngồi ngay đó. Giọng Garret vang nhẹ: "We walk with our ancestor", tôi nghe có khác nhưng thấy rất gần gũi với những gì thầy đã giảng. Tuệ giác, lòng từ bi, sự khiêm tốn của thầy thể hiện những khi anh chị em chúng tôi thực tập chung hết lòng với nhau. Khi gặp thầy ở khóa tu, tôi có nói: "Lúc chị bịnh nặng, em nhận ra là anh chị đã truyền được cho em sự yêu quý pháp môn, chuyện thích thực tập của anh chị. Em hiểu ra rồi, chỉ cần một người vẫn còn muốn và thực tập hết lòng là pháp môn vẫn còn, phài không chị." Thầy ôm tôi và nói: "Đúng rồi, chỉ cần biết Thủy hết lòng thực tập thôi là Anh Hương yên lòng về Thủy rồi. Cái gì Anh Hương biết, Anh Hương có thì Anh Hương đã cho mọi người hết rồi, Anh Hương cho hết ở những buổi pháp thoại, những thời hướng dẫn thiền". Thầy tôi thương mọi người đồng đều, quà thầy cho là cho hết mọi người chứ đâu phải cho riêng ai. Tôi không chịu đến nhận thì người thiệt thòi nhất là tôi thôi. Tôi có hỏi anh Chân Minh Tuệ xem mình có làm được gì cho sức khỏe của thầy. Anh nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Chị và mọi người trong tăng thân thực tập cho giỏi là cách giúp chị Anh Hương hay nhất." Một khi thầy trò đã hiểu nhau, thầy cho tôi biết người rất tôn trọng quyền tự do tu tập và nghiệp lực của từng người. Vì thế mà người uyển chuyển, linh động trong việc khuyến khích chúng tôi tu học, và có lúc người chỉ ngồi yên mà thở. Thầy tâm sự là thầy luôn có niềm tin là ai đến với tăng thân Thuyền Từ, MPCF rồi thì cũng đến được chỗ ấy. Chỉ tại không muốn chúng tôi phí phạm thì giờ và vì muốn gặp chúng tôi thường xuyên nên thầy mới hay kêu anh chị em trong tăng thân Thuyền Từ đến dự thêm tối thiền thứ Năm. Lòng người đi dạy thiền thì rộng và sâu. Mong là bạn mở lòng đón nhận món quà của thầy tôi.

Tâm Khai Ngộ
Tháng 9 năm 2007

Trang Nhà Lịch Trình Tu Học Lá Thư Tu Học Kinh Hình ảnh sinh hoạt Đóng góp Trang bạn Các nhà xuất bản




Mọi ý kiến và đóng góp xin điện thư về webmaster@crpcv.org
Trình bày và thực hiện bởi tăng thân Thuyền Từ vùng Washington DC